Tư vấn trực tuyến – Nhận biết nguy cơ để phòng ngừa đái tháo đường típ 2

Bạn có nguy cơ mắc đái tháo đường không? Hãy đặt câu hỏi cho chúng tôi để nhận được trả lời từ các chuyên gia hàng đầu về đái tháo đường và dinh dưỡng

Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, gây cụt chi chỉ sau tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ… ở Việt Nam có 3,5 triệu người trưởng thành mắc đái tháo đường, tương đương 6% dân số và dự kiến đến năm 2040 sẽ có 6,1 triệu người trưởng thành có thể mắc đái tháo đường. Trong đó, 68,9% người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam chưa được chẩn đoán.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường phát hiện sớm đái tháo đường, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức buổi tư vấn trực tuyến “Bạn có nguy cơ mắc đái tháo đường không? Nhận biết nguy cơ để phòng ngừa đái tháo đường típ 2

Các chuyên gia tư vấn gồm:

1 – PGS.TS.BS Lê Thị Bạch Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng
2 – PGS.TS.BS. Hồ Thị Kim Thanh – Trưởng khoa Nội tiết – Cơ xương khớp – BV Lão khoa trung ương; Phó Trưởng bộ môn Lão khoa – Trường Đại học Y Hà Nội

Sau đây là nội dung tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu về đái tháo đường và dinh dưỡng:

14:10: Bác Đỗ Văn Cường, Sơn La, 50 tuổi hỏi: Bác sĩ cho tôi hỏi ai có thể bị mắc đái tháo đường?

Những người sau đây có nguy cơ cao bị mắc đái tháo đường:
– Người thừa cân, béo phì
– Ít vận động thể lực
– Gia đình có người bị đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh chị em ruột)
– Tăng huyết áp
– Tăng mỡ máu
– Phụ nữ bị buồng trứng đa nang
– Phụ nữ đã mắc đái tháo đường thai kỳ
– Rối loạn đường máu hay tiền đái tháo đường
– Tiền sử có bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch.

14:21: Trần Hải Dương, 30 tuổi: Bác sĩ cho tôi hỏi bệnh đái tháo đường có nguy hiểm không?

Bệnh đái tháo đường là một bệnh nguy hiểm vì:
– Phần lớn bệnh diễn biến âm thầm trong nhiều năm mới có biểu hiện do đó khi phát hiện người bệnh đã có nhiều biến chứng
– Các biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng tới chất lượng sống ví dụ như gây hôn mê, biến chứng thận, biến chứng tim, biến chứng mắt…
– Tuy nhiên đây là một bệnh có thể có thể kiểm soát được nếu chúng ta hiểu biết về bệnh và tuân thủ điều trị, không nên quá sợ hãi. Đây là một bệnh mãn tính, diễn biến trong nhiều năm và chúng ta cần biết cách thông minh để chung sống khoẻ mạnh với bệnh.

14:23 Tôi là Trần Thu Hà, Hà Nội tôi xin hỏi: Bố tôi bị huyết áp cao và đái tháo đường được 5 năm và ăn rất mặn. Liệu ăn mặn có ảnh hưởng nhiều đến bệnh không bác sỹ?

Trong các yếu tố nguy cơ đối với bệnh không lây nhiễm nói riêng và đặc biệt đối với bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường thì ăn mặn là một yếu tố rất quan trọng. Bố chị lại mắc cả 2 căn bệnh trên thì lại càng không nên ăn mặn. Khẩu phẩn ăn mặn (nhiều muối) sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu gây tăng huyết áp và làm nặng thêm bệnh tăng huyết áp. Ăn mặn còn có thể gây ung thư dạ dày. Vì hiện tại không biết khẩu phần muối của bác là bao nhiêu, nhưng chị nên khuyên bác chỉ nên ăn dưới 5gram muối/ ngày. Trước mắt giảm lượng Natri trong khẩu phần đi ít nhất là một nửa bằng cách:
– Thứ nhất: Giảm 1 nửa lượng nước mắm, lượng bột canh trong quá trình nấu nướng, không nên để bát nước chấm trên bàn ăn, giảm bớt lựa chọn các thực phẩn chế biến sẵn có chứa muối như bánh mỳ, xúc xích, thịt hun khói. Các loại hoa quả khi ăn không nên chấm muối.
– Thứ hai: Trong khẩu phẩn ăn hàng ngày bác cũng nên tăng các thực phẩm chứa nhiều Kali, Canxi như chú ý bổ sung lượng sữa cần thiết: nếu dưới 50 tuổi thì 3 đơn vị sữa/ 1 ngày, từ 50 đến 69 tuổi thì 3,5 đợn vị sữa/ 1 ngày, trên 70 tuổi là 4 đơn vị sữa/ 1 ngày (chú ý lựa chọn sữa không đường). Ăn tăng rau và quả để đạt được 400gram. Chú ý không lựa chọn các loại hoa quả quá ngọt như chuối, xoài, na, nhãn,…

14:27 Anh Nguyễn Mạnh Hải, 45 Tuổi, Hải Phòng & Bạn Minh, 35 tuổi: Bệnh đái tháo đường có phải là bệnh di truyền không?

Đái tháo đường một phần cũng có yếu tố di truyền. Người ta đã tìm được 1 số gen có liên quan mật thiết với bệnh đái tháo đường.
Những người mà trong gia đình có người thân thế hệ cận kề (ví dụ bố mẹ đẻ, anh chị em ruột) mắc đái tháo đường thì người đó cũng có nguy cơ cao mắc đái tháo đường.

14:31 Bác Tiến, 50 tuổi ở Hà Nội và Bác Đặng Minh Hiền, 60 tuổi: Tôi bị đi tiểu đêm khoảng 03 lần/Tôi bị sụt cân đột ngột, vậy tôi có mắc đái tháo đường không?

Triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân nhiều. Tuy nhiên, muốn chẩn đoán chắc chắn có bị bệnh đái tháo đường hay không, các bác phải đến cơ sở y tế để xét nghiệm đường máu. Vì những triệu chứng này còn có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác.

14:34 Bác Trúc, 67 tuổi ở Nghệ An hỏi: chị ơi mới được bác sỹ nói bị Đái tháo đường, bác sỹ bảo tôi giảm ăn đi, nhưng tôi không biết nên ăn uống thế nào?

Chế độ ăn của người đái tháo đường ở tuổi 67 bác nên chú ý những điểm sau:

1. Chia nhiều bữa nhỏ, tốt nhất là ngoài 3 bữa chính (sáng-trưa-tối), bác nên có thêm 3 bữa phụ vào giữa buổi sáng-trưa, trưa-tối, buổi tối trước khi đi ngủ để không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn và không bị hạ đường huyết khi đói.
2. Bác nên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp như: gạo lứt, khoai củ (chú ý không ăn khoai nướng, khoai bỏ lò), rau xanh (400gram/1 ngày), các loại quả ít ngọt như thanh long, ổi, táo, bưởi, cam gọt vỏ (không vắt nước).
3. Khi chế biến, bác không nên cắt, thái thực phẩm quá nhỏ; không nên ninh, nấu thực phẩm quá nhừ vì sẽ làm thực phẩm nhanh chóng được tiêu hóa gây tăng đường huyết sau ăn và sẽ làm hạ đường huyết khi lại bị quá đói.
4. Bác nên điều chỉnh chế độ ăn để có thể kiểm soát được cân nặng trong khoảng: không ít hơn chiều cao bình phương x20 và không lớn hơn chiều cao bình phương x22. Vì thế, bác cần kiểm tra cân nặng của mình để biết mình cần phải tăng hay giảm cân để có được sự tư vấn chính xác hơn.
5. Chế độ ăn của bác vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể
6. Trong chế độ ăn của bác nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường ngọt như bánh kẹo, nước ngọt, sữa có đường,, các loại quả ngọt như chuối, xoài, nhãn, na, mít,…

14:38 Bác Tiến, 55 tuổi ở Quảng Ninh: Có mấy loại bệnh đái tháo đường và liệu có chữa được không bác sĩ?

Có 04 loại đái tháo đường chính:

a) Đái tháo đường (ĐTĐ) típ 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối).
b) Đái tháo đường típ 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).
c) Đái tháo đường thai kỳ (là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ típ 1, típ 2 trước đó).
d) Thể bệnh chuyên biệt của ĐTĐ do các nguyên nhân khác, như ĐTĐ sơ sinh hoặc ĐTĐ do sử dụng thuốc và hoá chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô…

Bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính, cần theo dõi điều trị trong thời gian dài.

14:40 Nguyễn Thu Trang, 31 tuổi: Hồi mang thai lần 1, em bị đái tháo đường thai nghén, vậy em có khả năng bị mắc đái tháo đường nữa không? Làm sao để phòng tránh?

Em có nguy cơ cao bị mắc đái tháo đường. Để phòng tránh em cần ăn uống theo chế độ dự phòng đái tháo đường, tăng cường luyện tập thể lực và khám sức khoẻ, kiểm tra đường máu định kì để có thể phát hiện sớm bệnh.

14:49 Chị Minh, 28 tuổi, Hà Nội: “Mẹ tôi đi khám bác sỹ có nói lượng đường trong máu cao và có nguy cơ tiểu đường. Vậy mẹ tôi ăn uống gì để kiểm soát nguy cơ này ạ?”

Chào chị Minh, với người có nguy cơ tiểu đường như mẹ chị, nếu có chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp mẹ chậm, hoặc thậm chí không mắc tiểu đường. Cụ thể như sau:

+ Hàng ngày, mẹ nên ăn 6 bữa ngoài 3 bữa chính (sáng-trưa-chiều) như trước đây thì nay nên thêm 3 bữa phụ vào khoảng cách thời gian giữa các bữa ăn chính và trước khi đi ngủ để giúp kiểm soát đường huyết sau ăn tốt hơn nhưng chú ý tổng lượng thức ăn trong ngày không thay đổi so với trước đây nếu mẹ chị có cân nặng ở mức lý tưởng.

+ Trong lựa chọn thực phẩm, nên tránh các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh mỳ trắng, khoai nướng, gạo xát kỹ, miến rong, đường, bánh kẹo, nước ngọt và chú ý ngay cả các loại hoa quả ngọt như dưa hấu, xoài, na, nhãn,… Đối với các chất tạo ngọt nên hạn chế nhất là đối với các chất tạo ngọt có chứa năng lượng như Saccaroze, Glucoze,… Trong các loại nước giải khát có chứa đường thì cũng không nên lạm dụng các chất tạo ngọt chứa ít năng lượng (như các sản phẩm chứa chất tạo ngọt có chữ Light). Nên thay gạo trắng bằng gạo lứt hoặc gạo giã rối, khoai củ, tăng tiêu thụ các sản phẩm từ các loại hạt, đậu đỗ.

+ Mẹ bạn cần điều chỉnh cân nặng về mức lý tưởng sẽ giúp cho việc điều hòa đường huyết tốt hơn (cân nặng không ít hơn chiều cao bình phương x20 và không lớn hơn chiều cao bình phương x22). Chú ý sử dụng 400gram rau và quả chín mỗi ngày vừa có tác dụng chống táo bón lại giúp kiểm soát và điều hòa đường huyết.

+ Không nên ăn mặn

+ Duy trì hoạt động thể lực thường xuyên ít nhất 150 phút/ 1 tuần

14:51 Em đang ở Úc, 34 tuổi, mới sinh bé thứ 2 được 3 tháng: Gần đây sau ăn sáng với bánh bao mua sẵn, em thử đường huyết tại nhà (máy đo đường huyết do bệnh viện khuyến nghị). Tầm 40 phút sau ăn chỉ số đường huyết lên đến 12 mmol/l, sau 10 phút giảm xuống 9 mmol/l và thêm 15 phút nữa thì giảm xuống 7 mmol/l. Liệu em bị đái tháo đường chưa?

Đường máu tại 1 thời điểm bất kì của em là 12 mmol/l, em có nguy cơ cao mắc đái tháo đường. Để chẩn đoán chắc chắn, em cần xét nghiệm lại đường huyết lúc đói và nếu đường huyết lúc đói dưới 7 mmol/l, em nên làm nghiệm pháp dung nạp glucose 75g để chẩn đoán xác định.

14:53 Em đang ở Úc, 34 tuổi, mới sinh bé thứ 2 được 3 tháng: Em đọc tiêu chuẩn chuẩn đoán thấy không rõ điểm b: đo đường huyết 2h sau làm nghiệm pháp dung nạp glucose và d) đường huyết tại thời điểm bất kì nhưng đều lấy ngưỡng 11.1 mmol/l. Sao không chọn 1 giờ sau ăn mà lại là 2h vì như của em sau 2h lại về mức bình thường rồi?

Qua rất nhiều nghiên cứu và thử nghiệm các nhà chuyên môn về nội tiết đưa ra khuyến cáo này dựa vào bằng chứng khoa học. Có 1 tình huống khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose cho phụ nữ mang thai tại thời điểm 0h, 1h và 2h thì ngưỡng chẩn đoán đái tháo đường thai nghén lúc 0h là >=5.8 mmol/l, 1h là >= 10.6 mmol/L, 2h là >=9.2 mmol/l.

14:55 Em là Hồng, Nghệ An, 29 tuổi, em mang thai lần đầu được 2 tháng: Khi đi khám bác sĩ bảo em bị đái tháo đường. Em không biết em bị từ trước hay vì có con mới bị đái tháo đường?

Em được chẩn đoán đái tháo đường khi mang thai tháng thứ 2, do đó em là người mắc đái tháo đường từ trước khi mang thai rồi.

14:57  Anh Chiến, 59 tuổi, Thanh Hóa: “Tôi mới bị đái tháo đường, tôi rất hay đánh cầu lông và chạy bộ, tôi có nên tiếp tục tập thể thao không?”

Chào anh Chiến, việc tiếp tục duy trì tập thể thao ngay cả khi anh bị đái tháo đường có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe, tác dụng chính của hoạt động thể dục, thể thao sẽ giúp cho anh kiểm soát được lượng đường máu tốt hơn thông qua giảm kháng Insulin, làm tăng tiêu thụ Glucoze, và giảm thừa cân, béo phì.

Hoạt động thể lực còn giúp anh kiểm soát được tình trạng lipid máu như làm tăng HDL-Cholesterol và giảm LDL-Cholesterol giúp kiểm soát huyết áp tốt.

Hoạt động thể thực còn giúp cho anh bớt căng thẳng, giảm stress, cải thiện giấc ngủ, tăng chất lượng cuộc sống.
Đi bộ là một hoạt động thể lực ưa khí, đây là loại hoạt động thể lực có lợi nhất đối với bệnh nhân đái tháo đường vì nó giúp cho các nhóm cơ lơn vận động lặp đi lặp lại có kèm theo tăng sử dụng oxy giúp kiểm soát đường máu tốt hơn. Vì vậy, rất mong anh tiếp tục duy trì hoạt động thể lực thích hợp với sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng của mình.

15:01 Cô Lành, 65 tuổi, Hải Dương: “Cô muốn hỏi người đái tháo đường ăn nhiều trái cây chín tốt không?”

Trái cây rất tốt cho sức khỏe, nhất là của người đái tháo đường vì nó chứa các chất khoáng kiềm, các vitamin, đặc biệt là vitamin C và các chất chống oxy hóa sẽ giúp bác có thể bảo vệ hệ thống mạch máu của mình tốt hơn trong khi đang bị bệnh đái tháo đường. Tổng lượng rau xanh và quả chín mỗi ngày bác nên ăn là 400gram.

Tuy nhiên, bác cần chú ý không nên lựa chọn những quả quá ngọt có thể sẽ làm tăng đường máu nhiều, nhất là sau bữa ăn không có lợi cho người đái tháo đường như: chuối, nho ngọt, dưa hấu, na, nhãn, mít, vải. Bác nên lựa chọn các quả như thanh long, ổi, táo, kiwi, cam gọt vỏ (không vắt nước và thêm đường). Hi vọng bác sẽ lựa chọn được những loại quả tốt cho sức khỏe của mình.

15:03 Bác Lê Thị Hiên, 71 tuổi: Tôi bị đái tháo đường 7 năm, đường huyết cao, bác sĩ bảo tôi phải tiêm Insulin. Bệnh tôi có nặng quá rồi không? Mọi người bảo tôi tiêm insulin là giai đoạn nặng lắm rồi. Tôi rất lo.

Có rất nhiều người bị đái đường trong các thời điểm khác nhau cần tiêm insulin. Tiêm insulin không phải là do bệnh quá nặng hay giai đoạn cuối mới cần tiêm insulin. Ngày nay các nhà khoa học khuyến cáo dùng insulin từ rất sớm, có thể ngay giai đoạn đầu mới mắc bệnh để bảo vệ tế bào Beta tuyến tuỵ, giảm kiệt quệ tế bào sản sinh ra insulin. Do đó những người tiêm insulin không nên quá lo lắng.

15:07 Chị Thắng 38 tuổi, Vĩnh Tuy, Hà Nội: Cô ơi, cháu có 38 tuổi, mới bị đái tháo đường, vậy có nên nhờ bác sĩ tiêm insulin để điều trị cho nhanh ạ? Cháu lo lắng nhiều.

Việc chỉ định có cần tiêm insulin không là do bác sĩ khám trực tiếp quyết định. Không thể xin tiêm insulin để điều trị cho nhanh vì đây là một bệnh mãn tính, thời gian điều trị kéo dài. Khi đường huyết đã được điều chỉnh về mức bình thường thì bạn vẫn cần duy trì phác đồ điều trị để duy trì mức đường huyết như vậy. Nếu bạn ngừng thuốc, đường huyết sẽ lại tăng lên.

15:10 Chú Hùng, 55 tuổi, Bắc Giang & Cô Trần Mai Ngân, 65 tuổi, Đà Nẵng: Tôi mới phát hiện bị đái tháo đường, tôi rất hoang mang không biết phải làm gì?

Những người mới phát hiện mắc đái tháo đường thường rất lo lắng về bệnh. Các bác nên tìm hiểu các thông tin về bệnh, đặc biệt là cách ăn uống, tập luyện, dùng thuốc, khám định kì. Các thông tin này có thể xem trên các trang web, ví dụ trang web về đái tháo đường của Bộ y tế: daithaoduong.kcb.vn; website của Hội Nội tiết & đái tháo đường Việt Nam. Các bác cũng nên trao đổi với các bác sĩ điều trị của mình để có thể được giải đáp trực tiếp thắc mắc.

15:12 Minh An: “Bố chị bị đái tháo đường 5 năm. Cụ rất hay ăn mì tôm vào buổi sáng, có khi cả trưa. Vậy chị muốn hỏi liệu nến ăn mì tôm nhiều vậy có ảnh hưởng không?”

Mì tôm là thực phẩm chứa nhiều chất bột đường, được chế biến sẵn nên rất tiện lợi khiến nhiều người lạm dụng thay thế cơm trong cả 2 bữa 1 ngày như bố chị. Vì vậy, chị nên khuyên bác tiêu thụ bớt mì tôm đi và thay vào đó nên ăn cơm gạo lứt, các loại khoai củ nấu súp, canh đều có thể cung cấp chất bột đường, vừa đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn, thay đổi khẩu vị mà lại tốt cho bệnh đái tháo đường.

Nếu bác rất thích ăn mì tôm, chị có thể đổi cách chế biến để giúp cho giảm chỉ số đường huyết của mì tôm (GI) bằng cách: cho thêm vào trong bát mì đó khoảng 150gram rau như rau cải, cải cúc, giá đỗ,… và khoảng 30gram thịt bò hoặc 3 con tôm (thêm chất đạm) sẽ làm cho bữa ăn với mì tôm có chỉ số đường huyết thấp hơn và cân đối về các chất dinh dưỡng hơn.

Vì mì tôm là một thực phẩm để ăn liền, giá thành dễ chấp nhận nên khó thể đòi hỏi 1 bữa ăn chỉ có mì tôm không mà có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe được. Trên thị trường hiện nay cũng có một số loại mì ăn liền có thêm nấm, rau, tảo,… cũng có thể là một lựa chọn tốt hơn cho bác so với việc chỉ ăn các loại mì không có thêm các thực phẩm này. Hi vọng chị sẽ chăm sóc bố tốt hơn mà vẫn đảm bảo được sức khỏe của bác.

15:14 Chị Dung, Nam Định: Mẹ tôi bị đái tháo đường lâu năm, bác sĩ bảo tình trạng mắt kém đi. Vậy bệnh đái tháo đường có liên quan tới mắt không?

Tình trạng đường huyết tăng kéo dài gây ra tổn thương ở mắt. Do đó các bác sĩ khuyến cáo cần kiểm tra phát hiện sớm các biến chứng mắt của bệnh đái tháo đường để xử trí kịp thời.

15:16 Chị Hải, 48 tuổi, Lào Cai: Bác sĩ cho em hỏi đái tháo đường là đái ra đường ạ? Vậy khi em nào em thấy kiến bâu vào nước tiểu thì mới là bị đái tháo đường ạ.

Đái tháo đường là tình trạng tăng đường huyết mạn tính. Có rất nhiều người bị đái tháo đường nhưng không đi tiểu ra đường. Không dựa vào nồng độ đường trong nước tiểu để chẩn đoán đái tháo đường. Ngày nay chúng ta thường đi tiểu trong toa let và xả nước ngay nên không thể theo dõi có kiến bâu hay không. Muốn chẩn đoán đái tháo đường phải dựa vào định lượng đường trong máu.

15:19 Chú Sáng, 60 tuổi: “Tôi đến khám bác sỹ, ổng bảo tôi bị mắc đái tháo đường tuýp 2, tôi nghe bạn bè, mọi người bảo chỉ nên ăn miến dong, không ăn cơm nhưng được vài hôm tôi thấy mệt lắm. Bác sỹ tư vấn giúp tôi?”

Xin chào chú Sáng, chú đừng quá lo lắng về bệnh đái tháo đường của mình mà quan trọng hơn là ngoài việc thực hiện uống thuốc của bác sỹ, chú nên có chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý để kiểm soát tốt đường huyết. Miến dong và cơm đều là 2 thực phẩm thuộc nhóm cung cấp chất bột đường là chủ yếu. Tuy nhiên, chỉ số đường huyết (GI) của miến dong là 95 và của gạo trắng là 83 nên việc chú thay ăn cơm bằng ăn miến như một số người mách bảo là chưa hợp lý.

Chú nên vẫn ăn cơm mà là cơm gạo lứt hoặc ăn khoai củ như khoai lang, khoai sọ, củ từ sẽ giúp chú kiểm soát đường huyết tốt, bớt đi cảm giác mệt do hạ đường huyết. Ngoài kiểm soát chất bột đường có GI thấp trong chế độ ăn, chú cần có chế độ ăn đa dạng, đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, sẽ giúp chú duy trì cân nặng hợp lý, không để bị tăng đường huyết nhiều sau ăn và không bị hạ đường huyết khi xa bữa ăn. Ngoài ra, chú cần chú ý tập luyện thể thao một cách phù hợp để có sức khỏe tốt nhất.

15:23 Em tên là Mai Vân, hiện nay đang làm việc tại UN, chương trình cho em hỏi hiện nay tại Việt Nam có bao nhiêu người bị bệnh tiểu đường và tỷ lệ thường tập trung ở những người bao nhiêu tuổi, em cám ơn.

Theo kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm năm 2015 ở những người trong độ tuổi từ 18-69, tỷ lệ mắc đái tháo đường tại Việt Nam là 4,1%. Tỷ lệ mắc cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 50-69 là 7,7%.

15:30 Dương Văn Lộc, 56 tuổi: Tôi phát hiện bị tiểu đường 2 năm rồi và có uống thuốc Adrenalin 30mg nhưng vẫn lo bị biến chứng. Vậy tôi nên làm gì, tập luyện ra sao? Cơ thể tôi không khoẻ lắm, hay phải uống thuốc bổ thực phẩm chức năng. Vậy tôi có uống được cùng thuốc đái tháo đường hay không? Hay phải phân bổ thuốc đái tháo đường rồi thuốc bổ tim mạch, thuốc bổ xương?

Bác có thể xem lại tên thuốc vì Adrenalin không phải là thuốc điều trị đái tháo đường. Người mắc đái tháo đường nên ăn uống theo chế độ kiêng và tích cực luyện tập (bác có thể tham khảo các câu trả lời về vấn đề ăn uống và tập luyện trong buổi toạ đàm này). Nếu bác cảm thấy không khoẻ và muốn dùng thêm các thực phẩm bổ sung, hay thuốc bổ bác nên trao đổi với bác sĩ điều trị cụ thể để lựa chọn các thuốc thích hợp nhất. Người mắc bệnh đái tháo đường hay phải dùng nhiều loại thuốc. Việc dùng nhiều loại thuốc trong một ngày cũng không có lợi vì có thể gây tương tác thuốc. Do đó, bác chỉ nên uống thuốc khi thực sự cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ.

15:34 Chị Trần Thị Hiền, Hà Nội: “Hiện nay, tôi đang cho con bú mang thai, tôi bị chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ. Vậy thì tôi nên ăn uống sao để vừa đủ chất dinh dưỡng cho con, vừa đủ duy trì được nồng độ ổn định?”

Chào chị Hiền, trong câu hỏi của chị chưa rõ là trong thai kỳ chị bị đái tháo đường nhưng hiện tại chị có bị đái tháo đường hay không nên khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác được. Tuy nhiên, chị cũng thuộc nhóm có nguy cơ, nhất là trong thời kỳ cho con bú cần có một chế độ dinh dưỡng để không chỉ đảm bảo cho người mẹ mà còn giúp cho việc bài tiết sữa cho bé. Vì vậy, chế độ ăn của chị nên lưu ý những điểm sau:
– Với những người mẹ sau sinh thường rất dễ tăng cân do một chế độ ăn “nhiều hơn” với suy nghĩ là để có sữa cho con bú. Với chị Hiền, nên kiểm soát cân nặng của mình, không để cân nặng vượt quá 22 nhân với chiều cao bình phương.
– Để duy trì được cân nặng lý tưởng thì chế độ ăn của chị cần rất chú ý đến các thực phẩm cung cấp chất bột đường. Chị nên chọn các thực phẩm có chỉ số GI thấp như gạo lứt (300-350gram/ 1 ngày) hoặc có thể thay thế bằng khoai củ, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường đơn, đường đôi như bánh kẹo, nước ngọt, sữa có đường.
– Chị không nên ăn quá nhiều vào một bữa mà nên chia nhỏ bữa ăn của mình: xen kẽ vào 3 bữa chính (sáng-trưa-chiều) chị nên có các bữa phụ vào giữa các bữa ăn chính và trước khi đi ngủ để năng lượng và nhất là chất bột đường được chia nhỏ sẽ giúp cho cơ thể bớt đi, điều hòa lượng đường huyết nhiều sau ăn. Chị nên ăn đủ chất đạm, đặc biệt cần lưu ý ăn 4 quả trứng cho 1 tuần, ăn khoảng 200gram cá cho 1 ngày, ăn khoảng 500gram rau xanh và quả chín để làm cho chất lượng sữa, nhất là về hàm lượng các vi chất dinh dưỡng được tốt hơn, giúp bé tăng trưởng được tốt hơn và thông minh hơn.
– Chị cũng nên chú ý uống đủ nước: khoảng 2.5 lít/ 1 ngày, đủ lượng sữa theo khuyến cáo (6,5 đơn vị sữa/ 1 ngày) để giúp cho việc bài tiết sữa được tốt hơn.
– Về chất béo, chị nên ăn 25gram chất béo tinh chế/ 1 ngày nên chọn chất béo đến từ mỡ cá, dầu các loại hạt để có được đủ các axit béo không no cần thiết như omega 3, omega 6.
– Chị cũng nên đi kiểm tra đường huyết định kỳ để có những giái pháp kiểm soát đường huyết và điều trị kịp thời (nếu có đái tháo đường)

15:37 Bác Hùng, 55 tuổi ở Bắc Giang: Tôi mới bị đái tháo đường, hàng xóm mách tôi uống thuốc đông y để chữa. Tôi có nên uống không? & Cô Hà, 42 tuổi, Ninh Bình: Tôi mắc đái tháo đường 4 năm, hàng xóm mách tôi uống thuốc đông y, tôi có nên uống không?

Bệnh đái tháo đường thường được điều trị nhờ chế độ ăn kiêng, tăng cường luyện tập và dùng thuốc. Có nhiều loại thuốc chữa đái tháo đường. Dựa theo đặc điểm của từng người, từng giai đoạn bệnh, có hay chưa có biến chứng, có chống chỉ định của thuốc nào không, các bệnh mắc kèm….mà bác sĩ sẽ lựa chọn và tư vấn cho mỗi người có thuốc điều trị phù hợp. Các bác không nên tự ý dùng thuốc theo sự gợi ý của những người xung quanh.

15:41 Bác Lê Văn Tám, 72 tuổi, Hưng Yên: Da tôi hay bị ngứa và gần đây bị vết sứt ở gần gót chân rất lâu khỏi dù rắc kháng sinh. Tôi nghe người ta bảo có thể bị tiểu đường, bác sĩ tư vấn cho tôi với ạ.

Thưa bác, những người bị nhiễm trùng lâu lành cũng có thể tiềm ẩn bệnh đái tháo đường. Bác nên đến cơ sở y tế để xét nghiệm máu, chẩn đoán chính xác xem có bị mắc đái tháo đường hay không.

15:45 Chị Thu, Quận Hoàng Mai: “Em bị đái tháo đường nhiều năm nay, bác sỹ ở bệnh viện quận bảo em tập thể dục, đi bộ, nhưng em đi nhiều thì thấy đau chân, dừng lại thì đỡ đau. Vậy em phải làm sao à bác sỹ?”

Đi bộ giúp cho người đái tháo đường có thể kiểm soát đường huyết tốt hơn, giảm các biến chứng của đái tháo đường, nhất là bệnh tim mạch và đột quỵ.
Đi bộ cũng có thể giúp chị kiểm soát được cân nặng và duy trì thể lực dẻo dai.
Tuy nhiên, chị cần đi bộ đúng cách:
+ Đi bộ thường xuyên 5 ngày 1 tuần, 30 phút 1 ngày.
+ Tăng dần thời gian đị bộ: nếu chị không thể đi bộ được 30 phút do đau chân thì cũng nên đi bộ 10 phút trong tuần đầu tiên, sau đó sang các tuần tiếp theo tăng 3-5 phút mỗi ngày cho đến khi đạt đươc mục tiêu là 30 phút/ 1 ngày.
+ Đi bộ 10 phút liên tục
+ Kiểm tra đường huyết trước khi tập thể dục. Nếu đường huyết trước tập là 100mg/dl thì nên ăn nhẹ và chờ cho đến khi đường huyết >100 mg/dl thì bắt đầu đi. Nếu Glucoze máu > 250mg/dl thì nên chỉnh đến khi chỉ số này xuống đến mức bình thường thì mới tập thể dục.
Để có thể giữ gìn bàn chân của người đái tháo đường, chị nên:
+ Chú ý sắm cho mình một đôi giày và đôi tất phù hợp
+ Có bài tập khởi động chân trước khi đi bộ
+ Uống đủ nước trước, trong và sau khi đi bộ
+ Nếu bàn chân vẫn bị đau thì chị nên đi bộ dưới nước thì sẽ giảm bớt áp lực của cơ thể đối với bàn chân hoặc có thể chuyển sang 1 hình thức tập luyện khác đó là bơi

15:55 Cháu Nguyên, Thái Bình: “bác Mai ơi, cháu nhiều lần thấy bác trên tivi lắm, bác cho cháu hỏi nếu bị Đái tháo đường, cháu nên dừng ăn tinh bột hay là giảm cân thì tốt hơn ạ, bác hướng dẫn cháu với?”

Bác rất cảm ơn câu hỏi của cháu! Nhưng trong chế độ ăn, cháu không nên dừng ăn tinh bột mà cần ăn lượng tinh bột chiếm khoảng từ 45-55% năng lượng của cả ngày. Cháu nên chọn các loại thực phẩm chứa tinh bột có chỉ số GI thấp như gạo lứt, gạo giã rối, khoai củ (khoai lang, khoai tây, củ từ) nhưng chú ý là không nên ăn khoai lang nướng nhé. Cháu cũng không nên ăn các thực phẩm chứa chất bột đường tinh chế như bánh kẹo, kem, nước ngọt, sữa có đường, trà sữa.

Cháu có nói đến vấn đền giảm cân, nếu cân nặng của cháu lớn hơn 22 nhân với chiều cao bình phương thì việc giảm cân là rất cần thiết và rất tốt trong việc cải thiện đường huyết, kiểm soát lipid máu. Việc giảm cân không nên nóng vội mà nên giảm cân từ từ (từ 5-10% cân nặng trong thời gian từ 3-6 tháng). Đề giảm cân, cháu nên ăn ít đi so với hiện nay và tăng vận động tiêu hao năng lượng hơn so với hiện nay. Việc kết hợp cả 2 giải pháp sẽ giúp cháu giảm cân tốt hơn và giữ được cân nặng sau khi giảm tốt hơn so với chỉ áp dụng đơn lẻ một giải pháp, tránh hiện tượng tăng cân trở lại.

Chúc cháu không chỉ có một hình thể đẹp mà còn kiểm soát tốt hơn bệnh đái tháo đường của mình để có chất lượng những năm tháng sống tốt hơn.

15:58 Chị Hải, 46 tuổi: Từ ngày em bị chẩn đoán đái tháo đường, em rất lo lắng, thấy bệnh có nhiều biến chứng, có thể di truyền cho con cái, làm sao để em quen dần là mình bị đái tháo đường, em có phải bị lo lắng quá không ạ?

Chị Hải thân mến, có 30% những người mới được chẩn đoán đái tháo đường cũng bị lo lắng như chị. Những người mắc bệnh đái tháo đường không phải đều di truyền bệnh cho con mình, cũng như sẽ bị các biến chứng nặng. Họ có thể sống vui vẻ khoẻ mạnh như người bình thường nếu hiểu biết về bệnh, ăn uống lành mạnh, hoạt động thể lực tích cực và dùng thuốc đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chị nên trao đổi những lo lắng của mình với bác sĩ điều trị đánh giá mức độ lo lắng và lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp.

16:01 Anh Kiên, 36 tuổi, Đống Đa: Em có 1 con lớn rồi, em muốn có đứa thứ 2 nhưng vợ em thấy chị ở cơ quan mắc đái tháo đường khi mang thai nên không muốn có thai. Vậy vợ em có nguy cơ bị đái tháo đường khi mang thai không? Nếu có thì làm sao để giảm nguy cơ bị đái tháo đường được? Vợ em năm nay 34 tuổi.

Thưa anh Kiên, không phải ai mang thai cũng bị đái tháo đường. Những người có nguy cơ cao bị mắc đái tháo đường là:
– Người thừa cân, béo phì
– Ít vận động thể lực
– Gia đình có người bị đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh chị em ruột)
– Tăng huyết áp
– Tăng mỡ máu
– Phụ nữ bị buồng trứng đa nang
– Phụ nữ đã mắc đái tháo đường thai kỳ
– Rối loạn đường máu hay tiền đái tháo đường
– Tiền sử có bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch.
Để dự phòng bệnh đái tháo đường vợ anh cần có chế độ ăn và luyện tập phù hợp, giữ cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì và stress.

16:02 Chị Thanh Nga, Hải Phòng: “ Các bác sỹ cho em hỏi, mẹ em mới bị đái tháo đường, ngoài cửa hàng có bán sữa cho người đái tháo đường, vậy mẹ em uống sữa này được không ?”

Các loại sữa dành cho người bệnh đái tháo đường thường có chỉ số GI thấp. Chỉ số GI này thường được công bố trên nhãn mác của sản phẩm. Các loại sữa này sẽ giúp người bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát đường huyết được tốt hơn.

Tuy nhiên, không chỉ người đái tháo đường có thể sử dụng loại sữa này mà với những người chưa bị đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa glucose máu và kể cả những người chưa bị rối loạn chuyển hóa glucose máu đều có thể sử dụng được các loại sữa này. Hi vọng chị có thể lựa chọn được loại sữa tốt nhất cho mình và mẹ.

16:07 Bác Tĩnh, 58 tuổi, Điện Biên: “ Năm nay bác 58 tuổi, bác vẫn tập thể dục đều nhưng dạo này bác hay bị thèm ăn, uống nước nhiều và đi tiểu nhiều. Vậy bác liệu có nguy cơ bị đái tháo đường không?”

Chào bác Tĩnh, việc bác tập thể dục đều là rất tốt, tuy nhiên chưa đủ để giúp bác có thể kiểm soát được tất cả các loại bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm. Việc bác có xuất hiện những cảm giác mới như hay thèm ăn, uống nước nhiều và đi tiểu nhiều dù là chưa gầy nhiều thì bác rất nên đến cơ sở y tế để kiểm tra đường máu khi đói, HbA1C.

Tùy theo kết quả xét nghiệm của bác mà các thầy thuốc sẽ chỉ định một số nghiệm pháp tiếp theo như nghiệm pháp làm tăng đường máu. Sau khi có đầy đủ các kết quả xét nghiệm thì mới chẩn đoán bác có bị đái tháo đường hay không. Rất mong bác đi khám tại cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

16:20 Anh Minh, Thái Nguyên, bố tôi 55 tuổi, đã bị huyết áp cao và mới phát hiện bị đái tháo đường típ 2, nhờ bác sĩ tư vấn luyện tập thế nào cho phù hợp?

Bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường rất hay đi cùng nhau. Bố anh nên duy trì luyện tập mức độ trung bình: 150 phút/1 tuần, tức là 30 phút hàng ngày. Phương thức tập luyện phụ thuộc vào thói quen cho phù hợp. Ví dụ: có thể đi bộ, đạp xe, đánh cầu lông, đi bơi…Tuy nhiên, cần theo dõi huyết áp khi luyện tập. Không luyện tập khi huyết áp tăng quá cao (>160/100 mmHg). Khi huyết áp tăng cao như vậy, cần uống thuốc, nghỉ ngơi, đợi huyết áp trở về bình thường thì mới tập luyện.

16:30 Bác Phương Huy Vũ, 66 tuổi, Sơn La bị đái tháo đường tuýp 2 4 năm hỏi : “Về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường tôi thấy PGS Mai cũng như các bác sỹ chia sẻ nhiều, nhưng thực tế ở khu vực (miền núi Tây Bắc và Đông Bắc) chúng tôi không có khẩu phần ăn như phương Tây hay các thành phố lớn khác. Kính nhờ PGS Mai có thể thiết lập chế độ ăn cho người dân ở miền núi như chúng tôi không? Chúng tôi có ngô, khoai, sắn, rau xanh, thịt bò”

Chào bác Huy Vũ, bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính không lây nên cần phải có chế độ ăn phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi bệnh nhân, với nguồn thực phẩm sẵn có của từng địa phương… để người bệnh có thể duy trì chế độ ăn đó suốt cuộc đời mà vẫn giúp kiểm soát được đường máu. Tại khu vực (miền núi Tây Bắc và Đông Bắc), với các thực phẩm sẵn có như ngô, khoai, sắn, rau xanh, thịt bò… vẫn có thể có được một chế độ ăn rất tốt cho người đái tháo đường. Trước mắt xin tư vấn với bác một số điểm chính như sau:
– Người bệnh đái tháo đường ở khu vực miền núi tây bắc và đông bắc có thể sử dụng sắn, khoai lang, khoai sọ, ngô, gạo xay xát dối, thậm chí là gạo chỉ bỏ phần vỏ trấu thay cho gạo trắng sẽ giúp kiểm soát đường huyết rất tốt.
– Người dân vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc cũng nên ăn 400gram rau xanh và quả chín mỗi ngày (chú ý không lựa chọn những quả quá ngọt như chuối, na, nhãn,…)
– Về nguồn cung cấp chất đạm: nên ăn dưới 80gram thịt đỏ (thịt con 4 chân như thịt lợn, thịt bò, thịt trâu, thịt dê,…)/ ngày hoặc 120gram thịt trắng (thịt con 2 chân như gà, vịt, ngan, ngỗng,…)/ngày. Ngoài ra, người dân miền núi còn có sẵn đậu đỗ (đỗ xanh, đỗ đen, đỗ tương,…) nên ăn từ 50-80gram/ngày bằng cách nấu cơm trộn với đỗ, ngô bung với đỗ hoặc ăn dưới dạng các chế phẩm như đậu phụ, sữa đậu nành, uống bột đậu xanh, bột đậu đen hoặc hỗn hợp bột các loại đậu, nấu canh đỗ. Trứng nên ăn 2 quả/1 tuần đối với những người sau 40 tuổi. Nếu có rối loại chuyển hóa lipid máu như cholesterol máu cao thì cũng nên ăn 1 quả trứng/1 tuần. Đối với những gia đình có điều kiện có thể sử d

Tư vấn trực tuyến – Nhận biết nguy cơ để phòng ngừa đái tháo đường típ 2

Tư vấn trực tuyến – Nhận biết nguy cơ để phòng ngừa đái tháo đường típ 2

Tư vấn trực tuyến – Nhận biết nguy cơ để phòng ngừa đái tháo đường típ 2