Ảnh hưởng của hạ đường huyết lên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và gia đình
TS.BS Trần Quang Nam
Bệnh viện Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh
Tài liệu dành cho cán bộ y tế
Mở đầu
Hạ đường huyết là biến chứng thường thường gặp trên bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị bằng thuốc. Nguy cơ hạ đường huyết thường xảy ra ở bệnh nhân đang tiêm insulin hoặc dùng thuốc uống sulfonylurea. Trong quá trình điều trị, hạ đường huyết là rào cản quan trọng với việc điều chỉnh đường huyết đạt mục tiêu và hạ đường huyết có thể làm giảm chất lượng sống do ảnh hưởng tới hầu hết hoạt động và sinh hoạt của bệnh nhân và cả người thân trong gia đình.[1]
Nỗi sợ bị hạ đường huyết
Những bệnh nhân từng có biểu hiện của cơn hạ đường huyết thường rất lo lắng bị biến chứng hạ đường huyết lại, gây ra những triệu chứng khó chịu như đói run, vã mồ hôi, bủn rủn tay chân hoặc nặng hơn là lơ mơ hoặc hôn mê phải cấp cứu. Nghiên cứu cho thấy sau cơn hạ đường huyết, bệnh nhân đái tháo đường (cả típ 1 và típ 2) đều thay đổi cảm xúc và lo lắng (hình 1).[1] Chính nỗi lo sợ này đã tác động rất nhiều tới cuộc sống, công việc, học tập và chất lượng sống của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân có khuynh hướng tự điều chỉnh chế độ điều trị của mình. Để tránh cơn hạ đường huyết, họ có thể tự ăn thêm, tự ngưng thuốc uống hoặc ngưng tiêm insulin, giảm các hoạt động thể dục. Chính vì lý do này dẫn tới sự kiểm soát đường huyết của bệnh nhân có thể khó đạt mục tiêu.
Hình 1. Tình trạng tinh thần của bệnh nhân bị ảnh hưởng sau một cơn hạ đường huyết
Hạ đường huyết ảnh hưởng giấc ngủ
Nỗi sợ dai dẳng về cơn hạ đường huyết làm bệnh nhân lo lắng và có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đáng lưu ý là hạ đường huyết nặng về đêm có thể kéo dài hơn và bệnh nhân cũng không nhận biết biểu hiện của hạ đường huyết làm cho có khả năng tiến triển nặng. Trong cơn hạ đường huyết, bệnh nhân phải thức giấc đo đường huyết tự xử trí, gây ra gián đoạn giấc ngủ. Sau đó bệnh nhân thường gặp khó khăn khi ngủ lại sau cơn hạ đường huyết. Do chất lượng giấc ngủ không tốt dẫn đến hậu quả là ban ngày hôm sau bệnh nhân mệt mỏi, buồn ngủ và khó nhận biết triệu chứng sớm của hạ đường huyết và lại tăng nguy cơ hạ đường huyết vào ban ngày. [3]
Hạ đường huyết liên quan với trầm cảm và lo âu
Trầm cảm là rối loạn thường đi kèm với đái tháo đường và có liên quan với kiểm soát kém đường huyết, tăng nguy cơ hạ đường huyết. Nghiên cứu trên bệnh nhân đái tháo đường cho thấy cơn hạ đường huyết nặng làm gia tăng biểu hiện mức độ nặng của trầm cảm. Những bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng hạ đường huyết có chất lượng sống thấp hơn bệnh nhân không bị hạ đường huyết, trong đó tăng khả năng 2,3 lần mắc các rối loạn lo âu, trầm cảm và các rối loạn tâm lý. Trong cơn hạ đường huyết cũng làm tăng cảm giác giận dữ của bệnh nhân đái tháo đường. [5]
Hạ đường huyết tác động xấu lên khả năng làm việc và các hoạt động của bệnh nhân.
Cảm xúc tiêu cực, động lực kém, và giận dữ trong cơn hạ đường huyết có thể ảnh hưởng bất lợi đối với nhiều hoạt động bao gồm thể thao, giải trí, và thực hiện công việc. Hạ đường huyết thúc đẩy hành vi thất thường, gây nhầm lẫn và ảnh hưởng thị lực và thăng bằng, có thể dẫn đến té ngã và tai nạn. Những cơn hạ đường huyết có thể ảnh hưởng tới chất lượng công việc. Sợ hạ đường huyết là nguyên nhân lớn nhất cản trở tập thể dục, do bệnh nhân sợ trong lúc tập có thể xảy ra hạ đường huyết gây nguy hiểm và gây khó chịu.[6]
Hạ đường huyết ảnh hưởng tới khả năng lái xe
Trong cơn hạ đường huyết nhẹ cũng có thể làm giảm các kỹ năng lái xe. Khi đường huyết dưới 54 mg/dL (3,0 mmol/L) một số chức năng nhận thức bị suy giảm, do đó có thể gây tai nạn giao thông. Bệnh nhân có thể không phát hiện được các biểu hiện nhẹ của hạ đường huyết để xử lý và đôi khi chỉ cảm thấy có hạ đường huyết khi đường huyết giảm dưới 50 mg/dL, vì vậy gây sai sót khi lái xe gây tại nạn. Trên thực tế, đa số các tài xế không đo đường huyết trước khi lái để phòng ngừa hạ đường huyết mà chỉ đo đường huyết khi thấy có triệu chứng, và đường huyết đã thấp nhiều. Vì vậy người đái tháo đường cần có biện pháp đề phòng tránh hạ đường huyết xảy ra, ngăn ngừa gây tai nạn giao thông nguy hiểm. Một số nghề nghiệp không thể để người đái tháo đường có nguy cơ hạ đường huyết làm việc, như phi công máy bay, tài xế lái xe lửa, lái xe chở khách. Bệnh nhân đái tháo đường nguy cơ cao hạ đường huyết như người đang dùng insulin có thể không được tuyển làm việc có tính chất có thể gây tai nạn nguy hiểm cho cộng đồng. [6]
Ảnh hưởng hạ đường huyết lên quan hệ trong gia đình
Hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường cũng gây ảnh hưởng nhiều tới các thành viên gia đình họ. Các cuộc phỏng vấn cho thấy cuộc sống của các thành viên trong gia đình bị gặp trở ngại khi bệnh nhân phải điều trị hạ đường huyết nặng thường xuyên, nhập viện cấp cứu nhiều lần. Họ rất sợ khi người bạn đời hoặc người thân của họ bị hạ đường huyết do thường có hành vi hung hăng và tranh cãi cũng như thay đổi tính cách. Đa số người thân của bệnh nhân đái tháo đường cho thấy họ lo lắng về khả năng xảy ra cơn hạ đường huyết của bệnh nhân. Thành viên gia đình cũng mô tả mình bị lo âu, lo lắng về sự an toàn của bệnh nhân, nhất là khi không theo dõi được bệnh nhân. Sau mỗi lần bệnh nhân bị hạ đường huyết nặng hôn mê, người nhà phải xử trí cấp cứu và họ trở nên lo lắng hơn nữa về bệnh nhân có thể hạ đường huyết nữa.[7]
Kết luận
Hạ đường huyết do thuốc ở bệnh nhân đái tháo đường gây nhiều tác động xấu và liên quan với với nhiều rối loạn như trầm cảm, lo âu, mất ngủ, ảnh hưởng lên mọi mặt của cuộc sống và các mối quan hệ của bệnh nhân dẫn đến làm giảm chất lượng sống. Cần có các biện pháp giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết và phòng ngừa xử trí hạ đường huyết nhằm cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo
- Frier, B. Hypoglycaemia in diabetes mellitus: epidemiology and clinical implications. Nat Rev Endocrinol 2014: 10, 711–722.
- Weitgasser R and Lopes S. Self-reported frequency and impact of hypoglycaemic events in insulin-treated diabetic patients in Austria. Wien Klin Wochenschr 2015;127:36–44
- Inkster, Berit et al. “Association between excessive daytime sleepiness and severe hypoglycemia in people with type 2 diabetes: the Edinburgh Type 2 Diabetes Study.” Diabetes care 2013 (36) 4157-9.
- Kikuchi Y, Iwase M, Fujii H, et al. Association of severe hypoglycemia with depressive symptoms in patients with type 2 diabetes: the Fukuoka Diabetes Registry. BMJ Open Diabetes Research and Care 2015;3: e000063
- Williams SA, Pollack MF, Dibonaventura M. Effects of hypoglycemia on health-related quality of life, treatment satisfaction and healthcare resource utilization in patients with type 2 diabetes mellitus. Diabetes Res Clin Pract. 2011 Mar;91(3):363-70
- Graveling AJ, Frier BM. Hypoglycaemia: an overview. Prim Care Diabetes. 2009 Aug;3(3):131-9
- Lawton J, Rankin D, Elliott J, Heller SR, Rogers HA, De Zoysa N, Amiel S; U.K. NIHR DAFNE Study Group. Experiences, views, and support needs of family members of people with hypoglycemia unawareness: interview study. Diabetes Care. 2014;37(1):109-15.
Bài viết nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk.