Bệnh đái tháo đường có làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim? Làm thế nào để phòng ngừa và quản lý biến cố tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2

Bệnh đái tháo đường có làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim? Làm thế nào để phòng ngừa và quản lý biến cố tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2

TS.BS Phan Hữu Hên

Phó trưởng khoa Nội tiết

Bệnh viện Chợ Rẫy

 

1. Biến chứng mạch máu lớn ở bệnh nhân đái tháo đường: 

 

Đái tháo đường là bệnh lý mãn tính, tiến triển gây ra nhiều biến chứng, bao gồm các biến chứng về mạch máu và các biến chứng khác. Trong đó các biến chứng mạch máu lớn, do xơ vữa động mạch làm tăng tỷ lệ đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, tắc hẹp động mạch ngoại biên cao gấp nhiều lần so với người không bị đái tháo đường. Nguyên nhân là bệnh nhân đái tháo đường típ 2 thường có bệnh kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì, đề kháng insulin… Do đó nguy cơ biến chứng mạch máu lớn xuất hiện trên bệnh nhân đái tháo đường típ 2 rất cao, đa số bệnh nhân đái tháo đường tử vong là do biến cố tim mạch. Tuy việc kiểm soát đường huyết tích cực làm giảm có ý nghĩa các biến chứng mạch máu nhỏ nhưng hiệu quả không rõ ràng trên biến chứng mạch máu lớn. Việc kiểm soát đa yếu tố trên bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có tác dụng giảm biến cố tim mạch nhưng nguy cơ tồn dư tim mạch vẫn còn rất cao, và bản thân các thuốc điều trị đái tháo đường típ 2 trước đây chủ yếu là giảm đường huyết, nhưng ít có tác dụng lên các yếu tố nguy cơ gây biến chứng mạch máu lớn.

 

Nguồn: Diabetes Ther (2022) 13:S35–S49 . Cơ chế bệnh đái tháo đường típ 2 làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch do xơ vữa, suy tim và bệnh thận mạn.

 

2. Những tiến bộ mới trong điều trị dự phòng biến chứng mạch máu lớn ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2:

 

Các thuốc điều trị đái tháo đường típ 2 hiện nay đã tiến bộ rất nhiều so với trước đây và dẫn đến thay đổi quan điểm điều trị, thay đổi tiên lượng bệnh. Những năm trước đây điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 tập trung vào kiểm soát đường huyết theo mục tiêu cá thể hóa và bản thân các thuốc điều trị đái tháo đường không mang lại lợi ích khác ngoài việc giảm đường huyết. Tuy nhiên sự ra đời của hai nhóm thuốc mới là thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển Glucose – Sodium (SGLT2i) và thuốc đồng vận thụ thể GLP1 (GLP1 -RA) đã tạo ra cuộc cách mạng trong điều trị đái tháo đường típ 2, giúp cải thiện biến cố tim mạch, giảm các kết cục liên quan đến suy tim, bệnh thận mạn và tác dụng này độc lập với tất cả các phương pháp điều trị đa yếu tố khác. Quan điểm hiện nay điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 bao gồm hai vấn đề, vấn đề thứ nhất là bảo vệ cơ quan đích (tim - thận) đối với bệnh nhân đái tháo đường típ 2 đã có biến cố tim mạch do xơ vữa, suy tim, bệnh thận mạn và vấn đề thứ hai bao gồm kiểm soát đường huyết theo cá thể hóa. 

Những bệnh nhân đã có biến cố tim mạch do xơ vữa, bệnh thận mạn sẽ được ưu tiên chọn lựa một trong hai nhóm thuốc mới (nhóm GLP1-RA gồm Liraglutide, semaglutide và dulaglutide được FDA chấp nhận là thuốc giảm biến cố tim mạch), và việc điều trị này được chỉ định sớm hơn trên cả các đối tượng chỉ có các nguy cơ tim mạch cao, bao gồm tuổi >55, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, và béo phì; đây được xem như phòng ngừa nguyên phát các biến cố tim mạch trên bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Sự mở rộng đối tượng bệnh nhân chủ yếu do tác động có lợi và rất hiệu quả của các nhóm thuốc mới. 

Cần lưu ý là thuốc đồng vận thụ thể GLP1 (GLP1 - RA) có vai trò quan trọng trong kiểm soát đường huyết, khi bệnh nhân thất bại với nhiều loại thuốc viên hạ đường huyết thì thuốc tiêm đầu tiên được khuyến cáo là thuốc đồng vận thụ thể GLP1 thay vì khởi trị insulin như trước đây. Bên cạnh đó, kiểm soát cân nặng trên bệnh nhân Đái tháo đường típ 2 cũng là mục tiêu của việc điều trị và đây cũng là lợi thế của hai nhóm thuốc mới này; về khía cạnh này, thuốc đồng vận thụ thể GLP1 (GLP1 -RA) có vai trò giảm cân tốt hơn nhóm thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển Glucose – Sodium (SGLT2i). Thậm chí, trong nhóm đồng vận thụ thể GLP1 (GLP1 -RA) có hai thuốc đã được FDA khuyến cáo giảm cân cho bệnh nhân béo phì không kèm đái tháo đường là Liraglutide và Semaglutide. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Olga Gonza ́lez-Albarra. Review of SGLT2i for the Treatment of Renal Complications: Experience in Patients with and Without T2D. Diabetes Ther (2022) 13:S35–S49 
  2. ADA 2022. Pharmacologic Approaches to Glycemic Treatment: Standards of Medical Care in Diabetes—2022 Diabetes Care 2022;45(Suppl. 1):S125–S143 | https://doi.org/10.2337/dc22-S009 

 

Bài viết nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản l‎ý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk.

 

 

VN22CD00029

 

Bệnh đái tháo đường có làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim? Làm thế nào để phòng ngừa và quản lý biến cố tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2

Bệnh đái tháo đường có làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim? Làm thế nào để phòng ngừa và quản lý biến cố tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2

Bệnh đái tháo đường có làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim? Làm thế nào để phòng ngừa và quản lý biến cố tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2