Các lựa chọn quản lý bệnh tim mạch xơ vữa với bệnh nhân đái tháo đường típ 2

Bệnh đái tháo đường ( ĐTĐ) típ 2 gia tăng nhanh trên thế giới và Việt Nam. Ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2, xơ vữa mạch máu xảy ra sớm hơn so với người bình thường. Theo số liệu từ Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF 2017) có tới  77% số bệnh nhân ĐTĐ típ 2 tử vong là do các bệnh lý tim mạch xơ vữa như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim. Trước đây, điều trị ĐTĐ tập trung vào việc giảm mức glucose máu và giảm cân, các vấn đề tim mạch chưa được đề cập sớm dẫn đến tỉ lệ tử vong do nguyên nhân tim mạch còn chiếm tỉ lệ cao. Hiện nay, việc điều trị ĐTĐ típ 2 đã dần được cá thể hoá và hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng phòng ngừa và bảo vệ tim mạch sớm rất có ý nghĩa trong việc làm giảm tỉ lệ tử vong do các biến cố tim mạch.

Để quản lý bệnh tim mạch xơ vữa ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 thì ngoài việc kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu, kiểm soát đường máu và các yếu tố nguy cơ thì lựa chọn các thuốc điều trị đái tháo đường có lợi cho bệnh lý tim mạch rất quan trọng. Theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA 2020) và Hiệp hội đái tháo đường Châu Âu (EASD 2020), bệnh nhân ĐTĐ típ 2 có bệnh tim mạch do xơ vữa nên được ưu tiên khởi đầu điều trị bằng Metformin kết hợp với đồng vận GLP-1 hoặc SGLT-2 bất kể mức HbA1c ban đầu là bao nhiêu. Cả hai nhóm thuốc này hiện ở Việt Nam đều đã có. Vì vậy các bệnh nhân đái tháo đường của chúng ta không lo lắng vì Việt nam có đầy đủ các thuốc điều trị đái tháo đường mới nhất có lợi cho tim mạch.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 do Bộ y tế Việt Nam ban hành năm 2020 cũng đồng thuận với các khuyến cáo của Hội đái tháo đường Hoa Kỳ và Hội nghiên cứu đái tháo đường Châu Âu.

Điểm qua các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường típ 2 hiện nay

  1. Nhóm Metformin

Đây là nhóm thuôc đầu tay điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Ưu điểm là thuốc rất rẻ và hiệu quả  hạ đường huyết tốt, không làm tăng cân, không gây hạ đường máu quá mức, thuốc không ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch xơ vữa. Các tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng Metformin là về tiêu hóa. Người bệnh có thể gặp triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, đầy hơi, ợ nóng, ngoài ra có thể gây thiếu máu nhẹ hoặc nhiễm toan lactic. Thuốc không nên dùng cho những bệnh nhân suy tim, suy hô hấp, viêm gan, xơ gan, suy thận hoặc những trường hợp có tiền sử nhiễm toan lactic, thiếu oxy mô cấp như nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng,…

  1. Nhóm thuốc đồng vận GLP-1

Các thuốc đồng vận GLP-1 có tác dụng kích thích tiết insulin tuyến tụy, ngoài ra thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn, qua đó giảm glucose máu, giảm cân và ít gây hạ đường huyết quá mức.

Đây là nhóm thuôc mới được chứng minh làm giảm nguy cơ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch, giảm nhồi máu cơ tim, giảm đột quỵ ở bệnh nhân đái tháo đường. Tại Việt Nam chúng ta hiện đã có nhóm thuốc này với hoạt chất Liraglutide. Tuy nhiên, nhóm thuốc này là giá còn cao và dùng dưới dạng tiêm.

  1. Nhóm thuốc SGLT2

Đây cũng là một nhóm thuốc điều trị ĐTĐ típ 2 mới, có tác dụng bài tiết glucose qua nước tiểu, từ đó làm giảm đường máu, giảm cân, hạ huyết áp. Các thuốc SGLT-2 được sử dụng trên thị trường Việt Nam hiện nay bao gồm thuốc với hoạt chất Empagliflozin, Dapagliflozin. Nhóm thuốc này cũng làm giảm nguy cơ tử vong tim mạch, giảm và phòng ngừa suy tim ở bệnh nhân ĐTĐ típ 2.

Bên cạnh những ưu điểm đó, nhóm thuốc này cũng có những tác dụng phụ cần thận trọng như nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm toan ceton, tổn thương thận cấp và giá thành cũng còn cao.

  1. Nhóm thuốc ức chế DPP-4

Các thuốc ức chế DPP-4 ở Việt Nam bao gồm Sitagliptin, Vidaliptin, Saxagliptin, Linagliptin, có tác dụng làm giảm glucose, ít có nguy cơ hạ đường huyết và tăng cân. Nhóm thuốc này không làm nặng thêm bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên cần thận trọng ở bệnh nhân suy tim. Một số tác dụng phụ cần thận trọng gồm có các phản ứng dị ứng, tăng men gan, tăng nguy cơ viêm tuỵ cấp ở những người có tiền sử viêm tuỵ trước đó.

  1. Nhóm thuốc sulphonylurea hạ đường huyết

Cùng với Metformin, đây là nhóm thuốc đã sử dụng điều trị đái tháo đường típ 2 từ lâu. Thuốc kích thích tụy bài tiết insulin nên tác dụng hạ đường huyết mạnh. Thuốc có ưu điểm giá thành rẻ. Tác dụng phụ lớn nhất là có thể gây hạ đường máu quá mức và tăng cân.

  1. Insulin

Insulin là thuốc có tác dụng hạ đường huyết mạnh nhất, không có giới hạn trong việc giảm HbA1c và giới hạn liều cao nhất điều trị. Ở những bệnh nhân có các biến chứng cấp tính, suy tim, suy gan, suy thận nặng việc sử dụng Insulin là bắt buộc khi không thể sử dụng các loại thuốc viên nào khác. Tuy nhiên, quy trình sử dụng Insulin cần hướng dẫn cụ thể và chi tiết từ bảo quản cho đến sử dụng cho bệnh nhân. Việc tiêm Insulin có thể gây hạ đường huyết, loạn dưỡng mỡ dưới da, dị ứng hoặc tăng cân.

  1. Các nhóm thuốc khác

Thuốc ức chế men α-Glucosidase có tác dụng làm giảm đường máu sau ăn. Nhóm này vẫn có ở Việt Nam nhưng ít sử dụng

Nhóm thiazolidinediones (hiện nay còn dùng Pioglitazone): nhóm này ít được sử dụng ở Châu Á. Hiện Việt Nam không còn thuốc trên thị trường.

Ngoài ra, việc thay đổi cách sống, tăng vận động, ăn giảm ngọt, giảm cân, bỏ rượu bia, thuốc lào, thuốc lá,… cũng có những ý nghĩa tích cực đối với tiến trình bệnh. Như vậy, để giảm tử vong do các biến cố tim mạch ở người bệnh ĐTĐ típ 2, việc kiểm soát tốt đường máu kết hợp với bảo vệ tim mạch sớm là một chiến lược mới và quan trọng trong điều trị ĐTĐ típ 2 hiện nay. Lưu ý rằng thuốc điều trị ĐTĐ típ 2 có nhiều loại, tác dụng và giá trị khác nhau, vì vậy bệnh nhân cần phải được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định dùng thuốc.

PGS.TS.BS. Vũ Bích Nga

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Tài liệu tham khảo

  1. Cardiovascular Disease and Risk Management: Standards of Medical Care in Diabetes—American Diabetes Association Diabetes Care 2020 Jan; 43(Supplement 1): S111-S134
  2. 2019 ESC Guidelines on diabetes, pre-diabetes, and cardiovascular diseases developed in collaboration with the EASD: The Task Force for diabetes, pre- diabetes, and cardiovascular diseases of the European Society of Cardiology (ESC) and the European Association for the Study of Diabetes (EASD)
  3. IDF Clinical Practice Recommendations for managing Type 2 Diabetes in Primary Care International Diabetes Federation – 2017
  4. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 – Bộ Y tế 2020

Các lựa chọn quản lý bệnh tim mạch xơ vữa với bệnh nhân đái tháo đường típ 2

Các lựa chọn quản lý bệnh tim mạch xơ vữa với bệnh nhân đái tháo đường típ 2

Các lựa chọn quản lý bệnh tim mạch xơ vữa với bệnh nhân đái tháo đường típ 2