GÁNH NẶNG KINH TẾ TRỰC TIẾP VÀ GIÁN TIẾP CỦA HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

GÁNH NẶNG KINH TẾ TRỰC TIẾP VÀ GIÁN TIẾP CỦA HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

TS.DS. Kiều Thị Tuyết Mai

Trường Đại học Dược Hà Nội

Tài liệu dành cho cán bộ y tế

 

1. Gánh nặng bệnh đái tháo đường trên thế giới và ở Việt Nam

 

Các thống kê liên tục trong hơn 20 năm qua của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) chỉ ra rằng đái tháo đường đã trở thành một trong những vấn đề sức khỏe toàn cầu phát triển nhanh nhất trong thế kỷ 21. Năm 2021, ước tính có 537 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, và con số này dự kiến sẽ lên tới 643 triệu người vào năm 2030. Trong năm 2021, ước tính hơn 6,7 triệu người trong độ tuổi 20–79 tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến ĐTĐ. Tại Việt Nam, tỷ lệ hiện mắc ĐTĐ típ 2 đang gia tăng nhanh chóng, từ 2,5% dân số vào năm 2007 lên 6,1% vào năm 2021 [1]. Chi phí y tế trực tiếp do bệnh ĐTĐ đã lên tới gần một nghìn tỷ USD và sẽ vượt quá con số này vào năm 2030 [2]. Ước tính chỉ riêng trong năm 2017, gánh nặng kinh tế liên quan tới đái tháo đường típ 2 tại Việt Nam đã lên tới 674 triệu USD, trong đó, có 435 triệu USD là chi phí y tế trực tiếp phải chi trả [3, 4].

 

2. Gánh nặng kinh tế trực tiếp của hạ đường huyết

 

 

Để dự phòng và ngăn ngừa biến chứng bệnh, các phác đồ điều trị ĐTĐ típ 2 hiện tại tập trung nhằm đạt được mức HbA1C đích. Điều này dễ dẫn đến kiểm soát đường huyết tích cực quá mức, làm tăng nguy cơ hạ đường huyết trên người bệnh [5]. Tại Châu Á, thống kê cho thấy tỷ lệ hạ đường huyết trên người bệnh ĐTĐ típ 2 là khá cao, lên tới 35,8% [6]. Hạ đường huyết có thể gây nhiều hậu quả nguy hiểm như làm tăng nguy cơ bị các biến chứng tim mạch, đột quỵ, gãy xương, suy giảm ý thức và kéo dài thời gian nằm viện [7]. Đồng thời, hạ đường huyết trên người bệnh ĐTĐ cũng gây ra gánh nặng kinh tế đáng kể [8]. Mặc dù ước tính đầy đủ chi phí do hạ đường huyết trên người bệnh ĐTĐ típ 2 rất phức tạp nhưng tại Việt Nam, bên cạnh gánh nặng bệnh tật và kinh tế do ĐTĐ típ 2 đã được nghiên cứu, đã bắt đầu có đánh giá về chi phí điều trị hạ đường huyết trên người bệnh ĐTĐ típ 2 [9].

Một nghiên cứu dọc trên cơ sở dữ liệu (CSDL) thanh toán bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên 1,4 triệu bệnh nhân ĐTĐ típ 2 cho thấy có 14.579 lượt hạ đường huyết nhập viện đã được ghi nhận trong năm 2017, tương ứng với 0,85% bệnh nhân và 0,01 lượt/bệnh nhân/năm. Kết quả cho thấy một lần bệnh nhân ĐTĐ típ 2 nhập viện do hạ đường huyết sẽ làm tăng chi phí thêm 2.943.913 VNĐ, tương ứng với gánh nặng tổng cộng gần 43 tỷ đồng cho biến cố này [10].

Tuy nhiên, ước tính trên CSDL này dường như còn khá thấp khi so sánh với thực tế và các nghiên cứu thực địa đã công bố. Một phân tích gộp trên 40 bài báo với 528.310 người tham gia cho thấy 6% (5% -7%) bệnh nhân báo cáo đã từng trải qua hạ đường huyết nặng và tỉ lệ mắc biến cố này của bệnh nhân là 0,8 lượt/ bệnh nhân/ năm (0,00-2,15) [11]. Tại Việt Nam, nghiên cứu DiabCare Asia 2012 quan sát và phỏng vấn trên 1631 bệnh nhân đái tháo đường cũng đã công bố tỉ lệ hạ đường huyết vừa và nặng là 4,3% [12]. Trong một nghiên cứu khảo sát chuyên gia, các bác sĩ chuyên khoa nhận định có từ 7,3%-7,6% bệnh nhân ĐTĐ đã từng có triệu chứng hạ đường huyết trong quá trình điều trị [13]. 

 

2. Gánh nặng kinh tế gián tiếp của hạ đường huyết

 

Nhưng gánh nặng kinh tế được đề cập trong các nghiên cứu trên đây hầu như không bao gồm các bệnh nhân bị hạ đường huyết vừa và nhẹ sẽ tìm cách tự xử lý tại nhà thay vì nhập viện. Ngoài ra, nghiên cứu có thể đã đánh giá thấp tỷ lệ thăm khám và nhập viện liên quan đến hạ đường huyết vì một số bệnh nhân bị hạ đường huyết song không được nhập mã ICD-10 (là mã bệnh đái tháo đường) nên bị bỏ sót khỏi nghiên cứu. Tổng quan tài liệu cho thấy các công bố trên thế giới về chủ đề này mới tập trung vào các trường hợp hạ đường huyết nặng [14-16]. Trong khi đó, các trường hợp hạ đường huyết nhẹ hơn, dù không trực tiếp đe doạ tính mạng, cũng ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng cuộc sống, tuân thủ điều trị và cả chi phí điều trị. Chưa kể nhiều bệnh nhân khi bị hạ đường huyết sẽ phải nghỉ làm, mất thu nhập, thậm chí mất việc.  

Các trường hợp hạ đường huyết nhẹ được điều trị ngoại trú thường không tốn kém chi phí (xấp xỉ 220,000 VNĐ). Tuy nhiên, chi phí điều trị sẽ gia tăng khoảng 5 lần khi tình trạng hạ đường huyết yêu cầu phải khám cấp cứu. Trong nghiên cứu Quy trình điều trị chuẩn và chi phí điều trị hạ đường huyết trên người bệnh Đái tháo đường típ 2 tại Việt Nam, chi phí điều trị hạ đường huyết cho một lần xảy ra biến cố dao động từ 214.637 VNĐ tới 7,740,550. Như vậy, chi phí cho một đợt hạ đường huyết có thể xấp xỉ chi phí điều trị trung bình trong một năm của một người bệnh ĐTĐ típ 2 [3, 4, 13]

 

Kết luận: Gánh nặng kinh tế do hạ đường huyết trên người bệnh ĐTĐ típ 2 là không hề nhỏ. Bên cạnh đó, những tác động gián tiếp của biến cố này cũng có ảnh hưởng rất lớn. Tác động tiêu cực đến tâm lý bệnh nhân, người nhà và xã hội, sự suy giảm khả năng lao động, chi phí ngoài y tế mà bệnh nhân phải tự chi trả thậm chí còn có thể lớn hơn gấp nhiều lần so với các chi phí trực tiếp. Do đó, việc hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ điều trị, theo dõi tình trạng bệnh, phát hiện sớm, ngăn chặn diễn tiến hạ đường huyết nghiêm trọng sẽ giúp bảo đảm sức khoẻ cho người bệnh, giảm gánh nặng xã hội và tiết kiệm ngân sách y tế đáng kể.

 

 

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.    Effects of intensive glucose lowering in type 2 diabetes. N Engl J Med, 2008. 358(24): p. 2545-59. Group Action to Control Cardiovascular Risk in Diabetes Study, et al., 

2.    IDF Diabetes Atlas: Global, regional and country-level diabetes prevalence estimates for 2021 and projections for 2045. Diabetes Res Clin Pract, 2022. 183: p. 109119. H. Sun, et al., 

3.    Direct non-medical and indirect costs of diabetes and its associated complications in Vietnam: an estimation using national health insurance claims from a cross-sectional survey. BMJ Open, 2020. 10(3): p. e032303. T. T. M. Kieu, et al., 

4.    Direct medical costs of diabetes and its complications in Vietnam: A national health insurance database study. Diabetes Res Clin Pract, 2020: p. 108051. H. Tuan Kiet Pham, et al., 

5.    2019 ESC Guidelines on diabetes, pre-diabetes, and cardiovascular diseases developed in collaboration with the EASD. Eur Heart J, 2020. 41(2): p. 255-323. F. Cosentino, et al., 

6.    Hypoglycemic symptoms in patients with type 2 diabetes in Asia-Pacific-Real-life effectiveness and care patterns of diabetes management: the RECAP-DM study. Diabetes Res Clin Pract, 2010. 89(2): p. e30-2. S. P. Chan, et al., 

7.    Association between hypoglycemia and inpatient mortality and length of hospital stay in hospitalized, insulin-treated patients. Curr Med Res Opin, 2013. 29(2): p. 101-7. K. G. Brodovicz, et al., 

8.    Economic burden of hypoglycemia for type II diabetes mellitus patients in Malaysia. PLoS One, 2019. 14(10): p. e0211248. S. M. Aljunid, et al., 

9.    Direct medical costs of diabetes and its complications in Vietnam: A national health insurance database study. Diabetes Res Clin Pract, 2020. 162: p. 108051. H. Tuan Kiet Pham, et al., 

10.    Tỉ lệ mắc và chi phí y tế liên quan tới hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 tại Việt Nam. Y học Việt Nam, 2020. 490(2): p. 145-150. Kiều Thị Tuyết Mai, et al., 

11.    Prevalence and Incidence of Hypoglycaemia in 532,542 People with Type 2 Diabetes on Oral Therapies and Insulin: A Systematic Review and Meta-Analysis of Population Based Studies. PLoS One, 2015. 10(6): p. e0126427. C. L. Edridge, et al., 

12.    Thực trạng kiểm soát đường huyết mục tiêu, biến chứng và chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam theo cơ sở dữ liệu của Chương trình Chăm sóc đái tháo đường của Bộ Y tế năm 2012-2015 và các yếu tố liên quan, in Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở. 2018: Cục Quản lý khám chữa bệnh. Lương Ngọc Khuê, 

13.    Quy trình điều trị chuẩn và chi phí điều trị hạ đường huyết trên người bệnh Đái tháo đường típ 2 tại Việt Nam. Tạp chí Y dược học, 2021. 12(1): p. 110-116. Kiều Thị Tuyết Mai, Hồ Thị Kim Thanh, and Phạm Huy Tuấn Kiệt, 

14.    Direct medical costs for patients with type 2 diabetes in Sweden. J Intern Med, 2000. 248(5): p. 387-96. F. Henriksson, et al., 

15.    Assessing the impact of complications on the costs of Type II diabetes. Diabetologia, 2002. 45(7): p. S13-7. R. Williams, et al., 

16.    The progressive cost of complications in type 2 diabetes mellitus. Arch Intern Med, 1999. 159(16): p. 1873-80. J. B. Brown, K. L. Pedula, and A. W. Bakst, 

 

Bài viết nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản l‎ý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk.

 

VN22CD00012

 

LƯU Ý

Bài viết dành cho cán bộ y tế.

GÁNH NẶNG KINH TẾ TRỰC TIẾP VÀ GIÁN TIẾP CỦA HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

GÁNH NẶNG KINH TẾ TRỰC TIẾP VÀ GIÁN TIẾP CỦA HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

GÁNH NẶNG KINH TẾ TRỰC TIẾP VÀ GIÁN TIẾP CỦA HẠ ĐƯỜNG HUYẾT