Hạ đường huyết – Nguy cơ không dễ nhận ra P2

HẠ ĐƯỜNG HUYẾT - NGUY CƠ KHÔNG DỄ NHẬN RA

BS CK1. Lê Hoàng Bảo

              Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM 

Tài liệu dành cho bệnh nhân

 

  1. Đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh chuyển hóa với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường, do cơ thể giảm tiết insulin hoặc tăng đề kháng với insulin hoặc cả hai, dẫn đến rối loạn nghiêm trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng. Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi 20-79) mắc đái tháo đường, dự kiến sẽ tăng lên 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045, hay nói cách khác cứ 10 người sẽ có 1 người mắc bệnh đái tháo đường[4]. Tuy nhiên, gần một nửa (46,5%) số người bị bệnh (độ tuổi 20-79) lại không được chẩn đoán. Việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng và chất lượng cuộc sống của người bệnh, bao gồm biến chứng tim, não, thận, mắt, cắt cụt chân, v.v…[11]

  1. Phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường. Trong đó, việc áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh, một chế độ tập luyện hợp lý, kết hợp với theo dõi đường huyết thường xuyên là những việc cần làm quan trọng nhất, bất kể ở thể bệnh đái tháo đường nào. Ở dạng đái tháo đường típ 1, bệnh nhân được chỉ định dùng insulin trong suốt cuộc đời vì cơ thể mất khả năng tự sản xuất insulin. Ở dạng đái tháo đường típ 2, bên cạnh chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hàng ngày, bệnh nhân cần sử dụng thuốc uống hoặc thuốc tiêm để ổn định lượng đường trong máu. 

 

  1. Hạ đường huyết – Biến chứng thường gặp khi điều trị đái tháo đường 

Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ đã cho ra đời hàng loạt loại thuốc mới giúp làm giảm lượng đường glucose trong máu, tuy nhiên mặt trái của những loại thuốc này là có thể gây nguy cơ hạ đường huyết quá mức. Một người được xem là bị hạ đường huyết khi kết quả xét nghiệm đường huyết < 70 mg/dL (hoặc 3,9 mmol/L). Có 3 cấp độ hạ đường huyết: Độ 1 khi đường huyết < 70 mg/dL (hoặc 3,9 mmol/L), độ 2 khi đường huyết < 54 mg/dL (hoặc 3,0 mmol/L) và độ 3 khi hạ đường huyết gây suy giảm nhận thức đến mức phải có sự hỗ trợ từ người khác, bất kể đường huyết bao nhiêu[5]. Hạ đường huyết được coi là một rào cản chính trong tiến trình cải thiện kiểm soát đường huyết, vì nó khiến cho người bác sĩ ngần ngại không muốn điều trị tích cực hơn, và người bệnh thường ít tuân thủ điều trị hơn sau khi trải qua cơn hạ đường huyết[9].

Hạ đường huyết dễ xảy ra trên các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ, hay còn gọi là yếu tố dự báo, bao gồm tuổi cao, suy thận, suy gan, ăn uống kém, nghiện rượu, vận động quá mức, sử dụng các thuốc có nguy cơ hạ đường huyết cao (ví dụ sulphonylurea hay insulin), v.v…[7] Hạ đường huyết có biểu hiện rất phong phú và đa dạng. Người ta chia những biểu hiện này ra thành ba nhóm chính: một là triệu chứng thần kinh tự chủ, bao gồm đổ mồ hôi, hồi hộp, run rẩy, đói bụng; hai là triệu chứng thần kinh trung ương, bao gồm lú lẫn, buồn ngủ, hành vi kỳ quặc, nói khó, mất phối hợp; ba là triệu chứng toàn thân, bao gồm đau đầu và buồn nôn[6]. Triệu chứng hạ đường huyết còn có tính cá thể, nghĩa là thể hiện khác nhau và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau trên mỗi người bệnh, ví dụ như tuổi, thời gian mắc bệnh đái tháo đường, việc sử dụng thuốc và rượu, khác biệt trong các phản ứng sinh lý, khác biệt giữa thời điểm ngủ và thức, và hiểu biết về bệnh[3].  

 

A person in a car

Description automatically generated with low confidence

 

 

  1. Hạ đường huyết – nguy cơ không dễ nhận ra 

Mặc dù hạ đường huyết có tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng như trên, nhưng việc phát hiện tình trạng này không hề dễ dàng. Khó khăn đầu tiên là nhiều bệnh nhân không biết mình bị hạ đường huyết mà nhầm lẫn các triệu chứng này với cảm giác đói, mãn kinh hoặc mệt mỏi toàn thân[1]. Khó khăn thứ hai là do hạn chế trong trao đổi thông tin. Một khảo sát thực hiện trên 3827 bệnh nhân cho kết quả 65% bệnh nhân đái tháo đường típ 1 và 59% bệnh nhân đái tháo đường típ 2 không được bác sĩ cảnh báo về nguy cơ hạ đường huyết trong quá trình điều trị. Mặt khác, có thể do số lượng bệnh nhân khám đông và thời gian khám không được nhiều, có khoảng 16% bệnh nhân đái tháo đường típ 1 và 26% bệnh nhân đái tháo đường típ 2 không được bác sĩ hỏi về triệu chứng hạ đường huyết trong thăm khám hàng ngày[8]. Khó khăn tiếp theo liên quan đến phương tiện phát hiện hạ đường huyết. Chúng ta đã quá quen thuộc với chiếc máy thử đường huyết cá nhân, sử dụng bằng cách lấy một giọt máu ở đầu ngón tay đưa vào que thử. Khi một bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ hạ đường huyết (đói bụng, run tay, vã mồ hôi lạnh, mờ mắt, hồi hộp, lơ mơ, hôn mê), việc thử đường huyết nhanh giúp xác định ngay lượng đường trong máu để có giải pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đái tháo đường lâu năm sẽ mất đi các dấu hiệu báo động này, đồng thời việc lấy máu như trên đôi khi khiến bệnh nhân ngại vì sợ đau, sợ máu, sợ kim, v.v… Bên cạnh đó rất nhiều người bị hạ đường huyết về ban đêm, trong khi ngủ nên hạ đường huyết bị bỏ qua. Xuất phát từ lý do đó, ngày nay máy theo dõi đường huyết liên tục được đưa vào sử dụng ngày càng phổ biến. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục giúp phát hiện thêm 47% số bệnh nhân bị hạ đường huyết và 83% số cơn hạ đường huyết bị bỏ sót khi sử dụng máy thử đường huyết cá nhân như trước đây[2,10]. Tất cả những thực trạng trên đã khẳng định hạ đường huyết thực sự phổ biến hơn là những gì mà chúng ta tưởng và đó là một vấn đề hết sức nghiêm trọng nhưng lại khó nhận biết đầy đủ. Sự phát triển của công nghệ theo dõi đường huyết sẽ giúp phát hiện những cơn hạ đường huyết dễ dàng hơn, và việc cho ra đời những loại thuốc uống và thuốc tiêm giảm đường huyết thế hệ mới đang mở ra hy vọng hạn chế phần nào nguy cơ hạ đường huyết cho người bệnh đái tháo đường.

 

 

 

 

Tài liệu tham khảo 

  1. Amin A, Lau L, Crawford S, Edwards A, Pacaud D. Prospective assessment of hypoglycemia symptoms in children and adults with type 1 diabetes. Can J Diabetes. 2014 Aug;38(4):263-8

  2. Chico A, Vidal-Ríos P, Subirà M, Novials A. The continuous glucose monitoring system is useful for detecting unrecognized hypoglycemias in patients with type 1 and type 2 diabetes but is not better than frequent capillary glucose measurements for improving metabolic control. Diabetes Care. 2003 Apr;26(4):1153-7

  3. Frier. Recurrent hypoglycaemia in diabetes – the long term complications. Camillo Golgi Lecture, EASD, Lisbon 2017

  4. International Diabetes Federation. IDF (International Diabeted Federation)  Diabetes Atlas, 9th ed. 2019

  5. International Hypoglycaemia Study Group. Glucose Concentrations of Less Than 3.0 mmol/L (54 mg/dL) Should Be Reported in Clinical Trials: A Joint Position Statement of the American Diabetes Association and the European Association for the Study of Diabetes. Diabetes Care. 2017 Jan;40(1):155-157

  6. McAulay V, Deary IJ, Frier BM. Symptoms of hypoglycaemia in people with diabetes. Diabet Med. 2001 Sep;18(9):690-705

  7. Morales J, Schneider D. Hypoglycemia. Am J Med. 2014 Oct;127(10 Suppl):S17-24

  8. Östenson CG, Geelhoed-Duijvestijn P, Lahtela J, Weitgasser R, Markert Jensen M, Pedersen-Bjergaard U. Self-reported non-severe hypoglycaemic events in Europe. Diabet Med. 2014 Jan;31(1):92-101

  9. Peyrot M, Barnett AH, Meneghini LF, Schumm-Draeger PM. Insulin adherence behaviours and barriers in the multinational Global Attitudes of Patients and Physicians in Insulin Therapy study. Diabet Med. 2012 May;29(5):682-9

  10. Weber KK, Lohmann T, Busch K, Donati-Hirsch I, Riel R. High frequency of unrecognized hypoglycaemias in patients with Type 2 diabetes is discovered by continuous glucose monitoring. Exp Clin Endocrinol Diabetes. 2007 Sep;115(8):491-4

  11. World Health Organization (WHO). Global Health Observatory Data Repository. WHO. Geneva, Switzerland, Updated January 2017

 

Bài viết nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản l‎ý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk

VN22CD00010

 
 

Hạ đường huyết – Nguy cơ không dễ nhận ra

Hạ đường huyết – Nguy cơ không dễ nhận ra

Hạ đường huyết – Nguy cơ không dễ nhận ra