HẠ ĐƯỜNG HUYẾT THỰC TẾ PHỔ BIẾN HƠN NHỮNG GÌ BÁC SĨ VÀ NGƯỜI BỆNH NGHĨ

 

ThS. BS. Võ Tuấn Khoa
Trưởng khoa Nội tiết - Bệnh viện Nhân dân 115

 

(Tài liệu dành cho cán bộ y tế)

Hạ đường huyết là một rào cản đối với kiểm soát tối ưu đái tháo đường [1], đồng thời có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống người bệnh, sử dụng nguồn lực hệ thống y tế và khả năng tái tạo sức lao động. 
Các nghiên cứu trước đây về hạ đường huyết thường đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các nhóm thuốc điều trị chủ yếu trong các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên trong các thử nghiệm này, nhóm quần thể đái tháo đường hiếm khi bao gồm những người lớn tuổi, có tình trạng kiểm soát đường huyết kém (HbA1c>10%), có bệnh phối hợp, có hạ đường huyết không nhận biết. Ngoài ra, các đối tượng trong các thử nghiệm lâm sàng được kiểm soát chặt chẽ với tái khám và theo dõi định kỳ, tuân thủ mô hình điều trị theo mục tiêu. Do đó,  mức hạ đường huyết trong các thử nghiệm lâm sàng thường không phản ảnh hết thực tế do tác động của việc chọn lựa đối tượng và thiết kế nghiên cứu như trên đã đề cập [2].

Bài viết sau đây trình bày về hạ đường huyết và các yếu tố liên quan trong góc nhìn thực hành lâm sàng hàng ngày.

 

1. Hạ đường huyết tự ghi nhận ở người bệnh ĐTĐ

Ngoại trừ các cơn hạ đường huyết mức độ nặng cần phải nằm viện điều trị và theo dõi, các trường hợp hạ đường huyết trước đó chỉ được bác sĩ phát hiện qua hỏi bệnh hoặc người bệnh tự báo cáo trong quá trình thăm khám, ngược lại người bệnh không có xu hướng nói về các triệu chứng nghi hạ đường huyết của mình và bác sĩ cũng không có thời gian hỏi về hạ đường huyết trong khám bệnh thường qui. Trong nghiên cứu của Ostenson và cộng sự khảo sát 3827 người bệnh ĐTĐ bằng câu hỏi online, có 65% người bệnh ĐTĐ típ 1 và 60% người bệnh ĐTĐ típ 2 hiếm khi hoặc không bao giờ đề cập đến các triệu chứng hạ đường huyết mà mình đã trải qua; đồng thời 16% người bệnh ĐTĐ típ 1 và 26% người bệnh ĐTĐ típ 2 báo cáo các bác sĩ không bao giờ hỏi và khám vấn đề hạ đường huyết [3]. Tại Việt Nam, trong nghiên cứu của chúng tôi thực hiện ở 669 người bệnh ĐTĐ típ 2 ngoại trú, khoảng 58% có hạ đường huyết tự ghi nhận (ít nhất 4 trong 7 triệu chứng sau: đói bụng, đổ mồ hôi, run rẩy, nhức đầu, chóng mặt, nhìn mờ và lú lẫn, xảy ra trong vòng 6 tháng trước đó) [4].

 

2. Mối liên quan giữa hạ đường huyết và độ dao động đường huyết

Độ dao động đường huyết là một thuật ngữ được đề cập gần đây mô tả sự biến thiên của đường huyết trong một khoảng thời gian xác định và được dùng như một chỉ số đo lường quan trọng để đánh giá mức độ ổn định của đường huyết trong thực hành lâm sàng và cũng là một mục tiêu điều trị quan trọng [5]. Trong số người bệnh đái tháo đường có cơn hạ đường huyết, đặc biệt là hạ đường huyết nặng, độ dao động đường huyết được ghi nhận là rất lớn. Ngoài ra, độ dao động đường huyết có thể là yếu tố tiên đoán đối với hạ đường huyết nặng, nhưng rất khó kết luận là yếu tố tiên đoán độc lập đối với cơn hạ đường huyết nặng xảy ra trong tương lai. [6]

 

3. Nghiên cứu về thực trạng hạ đường huyết trong thế giới thực

3.1. Nghiên cứu Global HAT study (Hypoglycemia Accessment Tools) [7]

Đây là nghiên cứu quan sát tại 24 quốc gia ở 6 vùng lãnh thổ (Đông Âu, Mỹ Latin, Trung Đông, Bắc Âu/Canada, Đông Nam Á và Liên bang Nga) với mục tiêu xác định tỷ lệ hạ đường huyết ở quần thể người bệnh đái tháo đường dùng insulin (> 12 tháng) trong khoảng thời gian 6 tháng hồi cứu và 4 tuần theo dõi tiến cứu. Công cụ sử dụng xác định hạ đường huyết là bộ câu hỏi do người bệnh tự đánh giá và nhật ký ghi chép trong vòng 28 ngày. Hạ đường huyết được xác định khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc xét nghiệm glucose huyết dưới 70 mg/dL (3.9 mmol/L) hoặc cả hai. 

Tổng cộng 27585 người bệnh ĐTĐ tham gia (29% ĐTĐ típ 1 và 71% ĐTĐ típ 2). Nhóm ĐTĐ típ 1 có độ tuổi trung bình trẻ hơn (42 năm so với 68 năm); thời gian mắc bệnh dài hơn (17 năm so với 6.4 năm) nhưng HbA1c tương tự (7.9% so với 8.0%) nhóm ĐTĐ típ 2. 

Trong suốt thời gian theo dõi 4 tuần, 83% người bệnh ĐTĐ típ 1 và 46.5% người bệnh ĐTĐ típ 2 có ghi nhận cơn hạ đường huyết. Tỷ lệ hạ đường huyết toàn bộ rất cao và có sự khác biệt lớn giữa các vùng địa lý trên thế giới. Tỷ lệ mới mắc cơn hạ đường huyết ban đêm và hạ đường huyết nặng là 73.3 [95% KTC 72.6–74.0], 11.3 (95% KTC 11.0–11.6) đối với ĐTĐ típ 1 và 19.3 (95% KTC 19.1–19.6), 3.7 (95% KTC 3.6–3.8) đối với ĐTĐ típ 2. Ngoài ra, tỷ lệ mới mắc hàng năm cơn hạ đường huyết ban đêm và hạ đường huyết nặng 4.9 (95% KTC 4.7–5.1) cơn/người-năm đối với ĐTĐ típ 1 và 2.5 cơn/người-măm (95% KTC 2.4–2.5) đối với ĐTĐ típ 2. Tỷ lệ hạ đường huyết cao nhất ở Châu Mỹ Latin (nhóm ĐTĐ típ 1) và Liên bang Nga (nhóm ĐTĐ típ 2). Tuy nhiên, nồng độ HbA1c không phải là yếu tố tiên đoán tình trạng hạ đường huyết.

Biểu đồ 1. Tỷ lệ hạ đường huyết toàn bộ và hạ đường huyết về đêm tại các vùng địa lý
Hình A (đái tháo đường típ 1) và Hình B (đái tháo đường típ 2)

Các yếu tố liên quan đến hạ đường huyết ở ĐTĐ típ 1 và típ 2 là thời gian mắc bệnh kéo dài và thời gian dùng insulin lâu.

 

3.2. Nghiên cứu IO HAT study (International Operations  Hypoglycemia Accessment Tools) [8].

Nghiên cứu này được tiến hành tại 3 quốc gia Đông Nam Á (Philippines, Singapore và Indonesia) và Bangladesh trong năm 2018. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá tần suất mới mắc của hạ đường huyết (trước đó 6 tháng và 4 tuần theo dõi) ở người bệnh ĐTĐ (típ 1 và típ 2) có dùng insulin ít nhất 12 tháng tính đến thời điểm vào nghiên cứu. Người bệnh tự ghi nhận hạ đường huyết dựa vào bộ câu hỏi tự điền và sổ nhật ký ghi trong 4 tuần theo dõi. 

Có 2594 người bệnh ĐTĐ tham gia và hoàn tất đánh giá hạ đường huyết trong 6 tháng trước đó. Trong 4 tuần theo dõi, hầu như tất cả người bệnh đều ghi nhận cơ hạ đường huyết với tỷ lệ rất cao (100% ở ĐTĐ típ 1 và 97.3% ở ĐTĐ típ 2). Tỷ lệ cơn hạ đường huyết nặng được ghi nhận ở giai đoạn tiến cứu cao hơn giai đoạn hồi cứu ở ĐTĐ típ 1 (57.2% so với 33.9%) và ĐTĐ típ 2 (76.9% so với 12.2%). Ngược lại, số ca hạ đường huyết về đêm nhiều hơn ở thời gian 6 tháng trước đó so với thời gian theo dõi 4 tuần.

Biểu đồ 1. Tỷ lệ hạ đường huyết trong theo dõi hồi cứu 6 tháng trước và tiến cứu 4 tuần ở người bệnh ĐTĐ típ 1 (hình a) và người bệnh ĐTĐ típ 2 (hình b)

 

Kết luận

Hạ đường huyết tự ghi nhận ở người bệnh ĐTĐ là một vấn đề rất quan trọng nhưng dễ bị bỏ qua trong thực hành lâm sàng. Tỷ lệ hạ đường huyết ở cả ĐTĐ típ 1 và típ 2 trong các nghiên cứu thế giới thực cho thấy hạ đường huyết phổ biến hơn suy nghĩ của bác sĩ hay nhân viên y tế nhưng lại ít được ghi nhận trong thực tế. Mặc dù có sự  khác biệt về tần suất hạ đường huyết mới mắc với người bệnh ĐTĐ có trị liệu insulin khác nhau, tác động của hạ đường huyết là đáng kể trên hệ thống chăm sóc y tế. Vì thế, cần có nhiều chương trình giáo dục để tăng nhận thức về hạ đường huyết ở người bệnh ĐTĐ. Bên cạnh đó, bác sĩ hay nhân viên y tế cũng cần chú trọng chủ động hỏi người bệnh về vấn đề hạ đường huyết trong thăm khám lâm sàng hàng ngày.

 

Tài liệu tham khảo

1. Leiter LA, Boras D, Woo VC. Dosing irregularities and self-treated hypoglycemia in type 2 diabetes: results from the Canadian cohort of an international survey of patients and healthcare professionals. Can J Diabetes 2014; 38: 38 44.

2. Food and Drug Administration. Diabetes Mellitus: Developing Drugs and Therapeutic Biologics for Treatment and Prevention (Draft Guidance). Food Drug Administration, 2008. Available from URL: http://www.fda.gov/downloads/ Drugs/Guidances/ucm071624.pdf. Accessed 5 February 2015.

3. Östenson CG, Geelhoed-Duijvestijn P, Lahtela J, Weitgasser R, Markert Jensen M, Pedersen-Bjergaard U. Self-reported non-severe hypoglycaemic events in Europe. Diabet Med. 2014;31(1):92-101. doi:10.1111/dme.12261.

4. Khoa VT, Phuong CTT, Hung LD, Khue TN, Goto A, Koriyama C and Yokokawa H. Frequency and predictors of self-reported hypoglycemia among type 2 diabetes outpatients. Vietnam Journal of Endocrinology and Diabetes 2020;41: 54-58 (In Vietnamese).

5. DeVries, J. H. Glucose variability: where it is important and how to measure it. Diabetes 62, 1405–1408 (2013).

6. Sarah E. Siegelaar, Frits Holleman, Joost B. L. Hoekstra, J. Hans DeVries, Glucose Variability; Does It Matter?, Endocrine Reviews, Volume 31, Issue 2, 1 April 2010, Pages 171–182.

7. Khunti K, Alsifri S, Aronson R, et al. Rates and predictors of hypoglycaemia in 27 585 people from 24 countries with insulin-treated type 1 and type 2 diabetes: the global HAT study. Diabetes Obes Metab. 2016;18(9):907-915.

8. Pathan F, Goh SY, Rudijanto A, Gadekar A, Jain A, Nicodemus N Jr. Hypoglycaemia among Insulin-Treated Patients with Diabetes: Southeast Asia Cohort of IO HAT Study. J ASEAN Fed Endocr Soc. 2018;33(1):28-36.

 

Bài viết nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản l‎ý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk.

 

VN22CD00005

LƯU Ý

Bài viết dành cho cán bộ y tế.

Ảnh hưởng của hạ đường huyết lên đái tháo đường

Các nghiên cứu về thực trạng hạ đường huyết

Mối liên quan giữa hạ đường huyết và độ dao động đường huyết