Hiểu biết về thừa cân/béo phì ở người bệnh đái tháo đường

Theo định nghĩa của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO), thừa cân và béo phì được định nghĩa là tình trạng dư thừa mỡ trong cơ thể. Tại Việt Nam, khi đời sống người dân ngày càng cải thiện và thực phẩm chế biến sẵn, giàu năng lượng ngày càng phổ biến thì béo phì đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn. Cụ thể là tỉ lệ béo phì tại Việt Nam đã tăng từ 1,3% dân số vào năm 2010 lên 2,1% trong năm 2016. Ước tính Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ béo phì tăng nhanh nhất Đông Nam Á.

Thừa cân, béo phì gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đối với người đái tháo đường. Béo phì khiến cơ thể kém nhạy cảm với insulin (hormone giảm đường huyết) hơn, do đó khó ổn định đường huyết và HbA1c. Béo phì gia tăng nguy cơ bệnh lí tim mạch và đột quỵ, hội chứng ngưng thở khi ngủ và thoái hóa khớp. Béo phì còn liên quan với tăng nguy cơ một số loại ung thư, bao gồm ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư thực quản, gan và đại tràng… Hiện nay dịch COVID-19 đang hoành hành tại nước ta, thừa cân, béo phì được các nhà khoa học nhận diện như là yếu tố nguy cơ khiến người bệnh dễ biến chứng nặng phải nhập viện và tăng tử vong.

Thừa cân, béo phì được đánh giá qua nhiều chỉ số khác nhau. Chỉ số cơ bản thường được sử dụng là chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) và vòng eo. Cách tính chỉ số khối cơ thể và ngưỡng thừa cân, béo phì được trình bày trong bảng 1.

Bảng 1. Phân loại béo phì theo tiêu chuẩn WPRO (2000)

 

Phân loại

BMI = Cân nặng/[(chiều cao)]2

 

(tính bằng kg/m2)*

Bình thường 18,5 – 22,9
Thừa cân 23 – 24,9
Béo phì độ I 25 – 29,9
Béo phì độ II

⩾ 30

*Không áp dụng cho vận động viên và phụ nữ có thai.

Chỉ có chỉ số khối cơ thể thì chưa phản ánh hết tình trạng dư thừa mỡ. Lí do là người châu Á nói chung, và người Việt Nam nói riêng phần lớn mỡ tập trung ở vùng bụng, đặc biệt là mỡ tạng. Mỡ nội tạng nguy hiểm hơn vì chúng tiết ra nhiều chất liên quan với phản ứng viêm, có thể gây tăng bệnh lí tim mạch. Béo phì trung tâm được đánh giá thông qua đo vòng eo. Vòng eo được đo bằng cách dùng một thước dây, đo ngang qua điểm giữa đường nối từ hạ sườn đến nơi cao nhất của khung chậu. Nếu vòng eo ≥ 80 cm (nữ) và 90 cm (nam), người bệnh có béo phì trung tâm. Ngoài vòng eo, thước đo nếp gấp da cũng giúp ước tính lượng mỡ trong cơ thể. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều dòng cân sử dụng phân tích điện trở kháng sinh học (BIA) để tính toán lượng mỡ trong cơ thể. Phương pháp này sẽ không chính xác bằng phương pháp đo hấp thu tia X năng lượng kép (DXA). Nhược điểm của máy DXA là cồng kềnh, giá thành cao và chỉ có ở những trung tâm lớn.

Đối với người đái tháo đường kèm béo phì, giảm cân sẽ giúp cải thiện tốt hơn các chỉ số sinh học như đường huyết, huyết áp, lipid máu và có thể giảm được lượng thuốc uống. Thường bắt đầu thấy rõ những lợi ích này khi cân nặng giảm được 3-5%, và giảm cân càng nhiều thì hiệu quả càng cao hơn nữa. Tuy nhiên, không nên nôn nóng giảm cân quá nhanh mà chỉ nên giảm tối đa -0,5-1 kg/tuần. Giảm cân quá nhanh thì ngoài giảm mỡ, người bệnh dễ mất nước và giảm khối lượng cơ, đồng thời mau mệt mỏi, không đủ sức làm việc, hạ đường huyết hay thậm chí ngất xỉu. Mặc dù chế độ ăn giảm tinh bột thường có hiệu quả giảm cân, chúng tôi nhận thấy vẫn phải duy trì bữa ăn đủ năng lượng sao cho người bệnh còn sức lao động, hơn nữa đủ sức vận động thể lực, qua đó hạn chế mất khối lượng cơ trong quá trình giảm cân. Nên cá thể hóa chế độ ăn theo thói quen của người bệnh, chú ý uống đủ nước, bổ sung thêm vitamin và muối khoáng. Bên cạnh chế độ ăn giảm năng lượng, nên duy trì lối sống năng động và tập thể lực để tiêu hao năng lượng. Người béo phì nên tìm cơ hội vận động thường xuyên như đi bộ thay vì đi xe gắn máy nếu quãng đường ngắn, dùng thang bộ thay vì thang máy. Tập thể dục 200 – 300 phút hàng tuần với cường độ trung bình-nặng giúp giảm cân hiệu quả. Trong nửa giờ, đi bộ nhanh có thể tiêu hao đến 150 kcal, trong khi chạy chậm và chạy nước kiệu lần lượt giúp tiêu hao đến 300 và 350-400 kcal, tùy theo kích thước cơ thể. Ngoài đi và chạy bộ, người thừa cân, béo phì cũng có thể chọn các loại hình vận động phong phú hơn như đạp xe, nhảy dây, thể dục nhịp điệu, tập gym, chơi cầu lông và bơi lội … Người bệnh nên được khám tim mạch, khám mắt, kiểm tra bàn chân và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi chọn loại hình vận động để đảm bảo an toàn khi bắt đầu tập luyện. Trước buổi tập, nếu đường huyết < 90 mg/dL (hay 5 mmol/L), người bệnh nên bổ sung ăn nhẹ ít tinh bột để tránh hạ đường huyết khi tập.

Khi stress, người ta có khuynh hướng ăn vặt nên khó giảm cân hơn. Để tránh bị stress, người bệnh nên ngủ đủ giấc và làm quen với các biện pháp thư giãn tinh thần. Thực ra giảm cân là một hành trình lâu dài, cốt yếu không phải giảm cân nhanh mà là duy trì được trọng lượng, tránh tăng cân trở lại.

Một khi đã chắc chắn rằng người bệnh đã nỗ lực thay đổi lối sống, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm cân, nhằm tránh tâm lý ỷ lại vào thuốc. Orlistat là thuốc viên có thể ngăn cản hấp thu mỡ từ bữa ăn, hay được kê toa cho người béo phì. Ngoài ra, một số thuốc điều trị đái tháo đường cũng có tác dụng giảm cân hiệu quả, bao gồm thuốc uống thải đường glucose qua nước tiểu, và thuốc tiêm dưới da liraglutide. Liraglutide là bước tiến quan trọng trong điều trị đái tháo đường típ 2 ngày nay, vì thuốc không những giảm đường huyết và giảm cân an toàn mà còn giảm nguy cơ tử vong tim mạch cho người bệnh.

Tóm lại, thừa cân và béo phì được định nghĩa là tình trạng dư thừa mỡ trong cơ thể. Béo phì, đặc biệt là béo phì trung tâm, ngày càng phổ biến ở người Việt Nam. Thừa cân, béo phì khiến người đái tháo đường khó kiểm soát đường huyết, tăng nguy cơ tim mạch cho họ. Béo phì còn liên quan với một số loại ung thư. Ngược lại, giảm cân giúp cải thiện đường huyết, huyết áp, lipid máu và giảm lượng thuốc cần dùng cho người đái tháo đường để ổn định các chỉ số đó. Để giảm cân, cần nỗ lực thay đổi lối sống và giảm stress. Bên cạnh chế độ sinh hoạt, thuốc điều trị đái tháo đường ngày nay có tác dụng giảm cân hiệu quả và cải thiện dự hậu tim mạch cho người bệnh.

TS.BS. Lý Đại Lương

Khoa Y, Đại học Quốc Gia TP HCM

Hiểu biết về thừa cân/béo phì ở người bệnh đái tháo đường

Hiểu biết về thừa cân/béo phì ở người bệnh đái tháo đường

Hiểu biết về thừa cân/béo phì ở người bệnh đái tháo đường