Chiều ngày 31/5, tại Bộ Y tế đã diễn ra Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam về đào tạo y tế giai đoạn 2019-2020. Buổi lễ có sự tham dự của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bện; Ông Morten Pristed, Tham tán y tế và giáo dục, Đại sứ Quán Đan Mạch tại Việt Nam; Ông Omar Sherief Mohammad, Trưởng đại diện Văn phòng Novo Nordisk tại Việt Nam cùng đại diện Lãnh đạo các khoa, Bệnh viện chuyên khoa về Nội tiết, Đái tháo đường.
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, tại Việt Nam, tử vong do bệnh không lây nhiễm (BKLN) như tim mạch, ung thư, đái tháo đường… ước tính chiếm 77% nguyên nhân của tất cả các tử vong, riêng đái tháo đường chiến tỷ lệ là 4% (báo cáo của WHO 2018). Để phòng, kiểm soát BKLN, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia 2015-2025. Mục tiêu của Chiến lược là nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh, tăng tỷ lệ người bệnh được phát hiện sớm, được điều trị, tăng tỷ lệ bệnh nhân được kiểm soát và đạt mục tiêu điều trị. Để đạt được các mục tiêu này, một giải pháp quan trọng, thiết yếu là nâng cao năng lực của hệ thống y tế để thực hiện nhiệm vụ phòng, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh.
Theo ông Omar Sherief Mohammad – Trưởng đại diện Văn phòng Novo Nordisk tại Việt Nam, năm 2017, Việt Nam có tới 3,5 triệu người chung sống với bệnh đái tháo đường và con số này dự đoán tăng thành 6,3 triệu người, nếu chúng ta không có kế hoạch hành động. Một điều đáng lưu tâm là một nửa người chung sống với bệnh đái tháo đường không biết họ mắc bệnh. Việc chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường sẽ giúp bệnh nhân được chăm sóc và điều trị sớm, giúp tránh được các biến chứng của bệnh, kiểm soát bệnh tốt hơn và giảm chi phí điều trị.
Sáng kiến triển khai chương trình hợp tác giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam về đào tạo y tế giai đoạn 2019-2020 nhằm hỗ trợ ngành y tế tăng cường năng lực trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm, trọng tâm là bệnh đái tháo đường.
Ông Morten Pristed, Tham tán y tế và giáo dục, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, trong lần ký kết biên bản hợp tác này, Đan Mạch sẽ hỗ trợ Việt Nam trong hai lĩnh vực chính: đào tạo và nâng cao nhận thức về bệnh không lây nhiễm, đặc biệt về bệnh đái tháo đường; ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng y tế điện tử cho cán bộ y tế trong đào tạo y tế, đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các nội dung này gắn liền với các mục tiêu phòng, chống đái tháo đường trong Chiến lược quốc gia 2015-2025.
“Chúng tôi mong muốn sử dụng những nền tảng thông tin và giáo dục trong việc nâng cao nhận thức và đào tạo về chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua Ứng dụng hành trình bệnh đái tháo đường (diabetes journey application) và website về bệnh đái tháo đường. Dự án Ứng dụng hành trình bệnh đái tháo đường là một hướng tiếp cận mới mẻ và đột phá để nâng cao năng lực bác sĩ điều trị”, ông Morten Pristed nói.
Từ năm 2013-2015, Novo Nordisk – một công ty chuyên sâu trong lĩnh vực chăm sóc bệnh đái tháo đường của Đan Mạch đã hợp tác với Bộ Y tế và các bệnh viện đầu ngành trên cả nước thực hiện Chương trình chăm sóc bệnh đái tháo đường Việt Nam và hỗ trợ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thiết lập trang thông tin điện tử về bệnh đái tháo đường để nâng cao nhân thức về bệnh cho cán bộ y tế, người đang chung sống với bệnh và cộng đồng: http://daithaoduong.kcb.vn. Lần này, Novo Nordisk sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hơn trang web về đái tháo đường.
Theo ông Morten Pristed, ứng dụng này sẽ cung cấp công cụ y tế điện tử, cán bộ y tế ở các cơ sở, đặc biệt là ở tuyến dưới thông qua một app trên điện thoại. Cán bộ y tế chỉ nhập dữ liệu bệnh nhân, ứng dụng này sẽ hướng dẫn các bước tiếp theo sẽ xử lý và điều trị bệnh.
Dự án này đã được thực hiện thành công ở Iran, hiện đang mở rộng sang một số nước khác như Bangladesh, Indonesia và Việt Nam. Tại Việt Nam, giai đoạn đầu của dự án được triển khai trong 02 năm, 2019-2020.
Ngay sau Lễ ký kết, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp để xét duyệt Ứng dụng hành trình bệnh đái tháo đường (Diabetes Journey). Đây là một ứng dụng đơn giản có thể cài đặt trên điện thoại, máy tính cá nhân nhằm hỗ trợ các bác sỹ ra quyết định nhanh. Ứng dụng này được xây dựng dựa trên Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị đái tháo đường típ 2 và danh mục thuốc do Bộ Y tế ban hành, để các bác sỹ cân nhắc lựa chọn, đưa ra các giải pháp điều trị cá thể hóa lý tưởng cho bệnh nhân.
Theo các chuyên gia y tế, ứng dụng này rất hữu hiệu với các bác sỹ, đặc biệt là ở tuyến huyện, nơi thiếu các bác sỹ chuyên khoa về nội tiết – đái tháo đường. Ứng dụng sẽ giúp các bác sỹ tiếp cận với những kiến thức lâm sàng để tìm ra phương án điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Đây cũng là công cụ hữu ích sử dụng trong đào tạo bác sỹ và sinh viên y khoa.
Lê Hảo