Ngày 18/9 tại Hà Nội, Bộ Y tế- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Hội khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam tổ chức Tọa đàm Quản lý bệnh đái tháo đường ở tuyến y tế cơ sở. Tọa đàm nhằm trao đổi thông tin, thảo luận đa chiều giữa các nhà quản lý, bệnh viện và các chuyên gia y tế về nâng cao chất lượng quản lý bệnh đái tháo đường ở tuyến y tế cơ sở
PGS.TS Phạm Lê Tuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu và chủ trì Tọa đàm
Phát biểu khai mạc, PGS. TS Phạm Lê Tuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện các trạm y tế chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu nên người dân bỏ qua việc dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ khi ốm đau mới đi bệnh viện. Phần lớn các trạm y tế chưa quản lý bệnh mạn tính, quản lý sức khỏe một số đối tượng ưu tiên. Đối với bệnh đái tháo đường chỉ có 31,1% từng được chẩn đoán bởi bác sỹ trước đó (tương đương với 68,9% chưa được phát hiện); tỷ lệ được quản lý tại cơ sở y tế là 28,9%.
Nhằm đáp ứng về sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm và khoảng trống trong quản lý, điều trị, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2559 /QĐ-BYT ngày 20/04/2018 về Kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018-2020. Để có thể thực hiện được tại trên 11.000 Trạm y tế trên cả nước, theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền và Sở Y tế các địa phương.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cần phải nâng cao năng lực và uy tín trạm y tế xã. Theo đó, ngoài việc tăng cường tập huấn, những trạm nào chưa có bác sĩ, địa phương phải cử bác sĩ từ Trung tâm y tế huyện xuống trạm y tế 2-3 ngày/tuần/lần để tăng thêm uy tín cho trạm y tế.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận về Lộ trình triển khai quản lý, điều trị đái tháo đường tại y tế cơ sở áp dụng nguyên lý y học gia đình; Cơ chế chi trả cho quản lý bệnh đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở và tình trạng chi trả; Quan điểm của bác sỹ điều trị về điều trị đái tháo đường bằng insulin tại tuyến y tế cơ sở; Nâng cao chất lượng điều trị đái tháo đường bằng insulin tại tuyến y tế cơ sở; Các chương trình đào tạo cho cán bộ y tế tại tuyến y tế cơ sở; Kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong quản lý bệnh đái tháo đường tại y tế cơ sở….
Hiện Bộ Y tế đang triển khai thí điểm mô hình trạm y tế tại 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố. Việc xây dựng mô hình điểm trạm y tế xã vận hành theo nguyên lý y học gia đình nhằm giúp cán bộ ngành y tế và người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Lê Hảo.