RÀO CẢN HẠ ĐƯỜNG HUYẾT ĐỐI VỚI BÁC SĨ VÀ BỆNH NHÂN
TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
BS CKII. Nguyễn Thị Thu Hương
Phó trưởng khoa Thận tiết niệu, Bệnh viện Nội Tiết TW
Hạ đường huyết là biến chứng hay gặp ở các bệnh nhân đái tháo đường [1]. Dù có triệu chứng hay không, hạ đường huyết là vấn đề mà tất cả các bệnh nhân đái tháo đường đều có nguy cơ phải đối mặt, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người. Theo sau cơn hạ đường huyết là những tác động tiêu cực lên thể chất và tinh thần, không chỉ của người bệnh mà còn cả gia đình và bác sĩ điều trị. Chính những điều đó đã trở thành rào cản trên con đường tối ưu hóa kiểm soát đường máu và ngăn ngừa biến chứng mà bệnh nhân và bác sĩ phải cùng nhau vượt qua. Bài viết sau sẽ phân tích sâu hơn về vấn đề này.
- Nỗi lo sợ hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường
Theo kết quả khảo sát về hạ ĐH được tiến hành trên 355 bệnh nhân ĐTĐ type 2 tiêm insulin tại 16 bệnh viện và trung tâm ở Nhật Bản cho thấy có tới 27.7% bệnh nhân được báo cáo là có chứng sợ hạ ĐH. Đặc biệt, hạ đường huyết nghiêm trọng trong một năm qua là yếu tố quyết định đáng kể đến nỗi sợ hạ đường huyết [2].
Những biểu hiện của hạ đường huyết có thể gây nên chứng sợ hạ đường huyết (Fear of hypoglycemia) ở một số người bệnh. Chứng sợ hạ đường huyết thường thúc đẩy những hành vi xấu để tránh hạ đường huyết như giữ mức đường huyết cao bằng cách hạn chế luyện tập, giảm liều insulin hoặc tiêu thụ nhiều carbohydrat hơn. Những hành vi thích ứng này ở bệnh nhân mắc chứng sợ đường huyết dẫn tới việc tăng đường huyết thường xuyên hoặc tăng đường huyết dai dẳng làm gia tăng nguy cơ biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. Đa phần các nghiên cứu liên quan đến chứng sợ hạ đường huyết là ở bệnh nhân đái tháo đường típ 1 mà ít được nhắc đến ở đái tháo đường típ 2. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy chứng sợ hạ đường huyết và lo lắng quá mức do hạ đường huyết cũng như sự thay đổi hành vi do chứng sợ hạ đường huyết cũng không phải là hiếm ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2, ngay cả những người không sử dụng insulin [3].
Hạ đường huyết là rào cản chính cho việc kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu và có thể tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội như giảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống cũng như trầm cảm, thậm chí là tử vong. Ngoài ra những thay đổi về tâm lý xã hội làm suy giảm khả năng tự quản lý bệnh đái tháo đường tạo nên vòng luẩn quẩn kiểm soát đường huyết không ổn định và các biến cố hạ đường huyết thường xuyên hơn.
II. Giải quyết gánh nặng hạ đường huyết
Theo kết quả phân tích gộp 5 thử nghiệm lâm sàng lớn ở trên những bệnh nhân ĐTĐ type 2 ở độ tuổi trung niên, có hoặc không có bệnh lý tim mạch cho thấy kiểm soát đường máu tích cực làm giảm tỉ lệ biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ nhưng cũng gia tăng tỉ lệ tử vong trên bệnh nhân đái tháo đường mà nguyên nhân là do hạ ĐH [4]. Do đó, nhóm bệnh nhân có nguy cơ hạ đường huyết thấp như người trẻ, đái tháo đường típ 2, ít bệnh đồng mắc thì có thể kiểm soát đường huyết chặt chẽ để dự phòng biến chứng. Ngược lại, với bệnh nhân có nguy cơ hạ đường huyết cao như người lớn tuổi, nhiều bệnh đồng mắc, khả năng nhận thức kém thì cần chấp nhận mức đường máu cao hơn để ngăn ngừa các cơn hạ đường huyết. Như vậy, cân bằng giữa kiểm soát ĐH và giảm thiểu nguy cơ hạ ĐH là rất quan trọng.
Tuy nhiên, việc cân bằng giữa kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa hạ đường huyết không hề đơn giản, đòi hỏi kết hợp nhiều biện pháp và với sự tham gia của nhiều nguồn lực khác nhau.
Đầu tiên, người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị, không tự ý tăng, giảm hay bỏ điều trị. Gia đình bệnh nhân đóng vai trò quan trọng, giúp người bệnh tuân thủ điều trị, nhận biết và xử trí sớm các cơn hạ đường huyết cũng như đồng hành cùng người bệnh vượt qua những nỗi sợ đó.
Bên cạnh đó, sự ra đời các thuốc mới và thiết bị theo dõi đường máu liên tục làm giảm đáng kể nguy cơ hạ đường huyết. Các nhóm thuốc mới như Incretin, SGLT2, các insulin nền thế hệ mới đã chứng minh tính an toàn khi có tỉ lệ hạ đường huyết thấp, thông qua cơ chế dược lí và nhiều nghiên cứu lớn. Nghiên cứu DECLARE–TIMI cho thấy tỉ lệ hạ đường huyết nặng ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 dùng dapagliflozin là 0.7%, tỉ lệ này ở nhóm dùng giả dược là 1% [5]. Nghiên cứu LEADER ghi nhận tỉ lệ hạ đường huyết nặng ở nhóm bệnh nhân dùng liraglutide thấp hơn hẳn nhóm giả dược (2.4% so với 3.3%) [6].
Sự ra đời của các insulin nền thế hệ mới như insulin Degludec, insulin Glargin U300 tác dụng kéo dài và ít dao động nên giảm nguy cơ hạ ĐH, đóng vai trò hết sức quan trọng với với những bn đái tháo đường tiêm insulin là nhóm nguy cơ cao nhất của hạ ĐH. Trong phân tích gộp Begin từ 7 nghiên cứu pha 3 trên đối tượng bệnh nhân đái tháo đường típ 2 mới khởi trị insulin cho thấy insulin Degludec giúp giảm 17% cơn hạ đường huyết chung, giảm 36% cơn hạ đường huyết về đêm và giảm 84% cơn hạ đường huyết nặng so với insulin glargine U100 [7].
Các thiết bị theo dõi đường máu liên tục (CGM) ngày càng được cải tiến để đo chính xác, và cảnh báo sớm ngay khi có dấu hiệu hạ đường huyết. Ngoài ra, để có thể giải quyết gánh nặng hạ đường huyết, chăm sóc y tế đóng vai trò không thể thay thế. Các biện pháp bao gồm điều trị lấy bệnh nhân làm trung tâm, cá thể hóa điều trị, ngoài kiểm soát đường máu cần phải điều trị các bệnh đồng mắc và dự phòng đa yếu tố nguy cơ. Cung cấp những kiến thức cơ bản về bệnh đái tháo đường, nhận biết và xử trí cấp cứu hạ đường huyết giúp bệnh nhân có thể chủ động vượt qua nỗi sợ hạ đường huyết.
Kết luận
Hạ đường huyết và những hệ lụy nó đem lại là vấn đề luôn hiện hữu trong điều trị bệnh đái tháo đường, là rào cản dẫn đến thất bại trong kiểm soát đường huyết và dự phòng đa biến chứng. Chỉ khi cân bằng giữa kiểm soát đường máu và giảm nguy cơ hạ đường huyết thì chúng ta mới có thể vượt qua được rào cản này điều trị đái tháo đường hiệu quả. Do đó, cần có sự phối hợp của bệnh nhân, gia đình và xã hội cũng như kết hợp nhiều phương pháp và thiết bị điều trị hiện đại.
Tài liệu tham khảo
[1] Leiter LA, Boras D, Woo VC. Dosing irregularities and self-treated hypoglycemia in type 2 diabetes: results from the Canadian cohort of an international survey of patients and healthcare professionals. Can J Diabetes 2014; 38: 38 44.
[2] Naoki Sakane, Kazuhiko Kotani, Kokoro Tsuzaki. Fear of hypoglycemia and its determinants in insulin-treated patients with type 2 diabetes mellitus. J Diabetes investig 2015 sep; 6(5): 567-570
[3] Jenifer Grammes, Manuela Schafer, Andrea Benecke. Fear of hypoglycemia in patients with type 2 diabetes: The role of interoceptive accuracy and prior episodes of hypoglycermia. Jounal of Phychosomatic research.2018, page 58-63. https://doi.org/10.1016/j.jpsychores.2017.12.010
[4] Tanika N.Kelly, PHD;Lydia A. Bazzano, MD,PhD. Systematic review: Glucose control and cardiovascular disease in type 2 diabetes. Ann of intern med.2009;151:394-403.
[5] Wiviott SD, Raz I, Bonaca MP, Mosenzon O; DECLARE–TIMI 58 Investigators. Dapagliflozin and Cardiovascular Outcomes in Type 2 Diabetes. N Engl J Med. 2019 Jan 24;380(4):347-357. doi: 10.1056/NEJMoa1812389. Epub 2018 Nov 10. PMID: 30415602.
[6] Zinman B, Nauck MA, Bosch-Traberg H, Frimer-Larsen H, Ørsted DD, Buse JB; LEADER Publication Committee on behalf of the LEADER Trial Investigators. Liraglutide and Glycaemic Outcomes in the LEADER Trial. Diabetes Ther. 2018 Dec;9(6):2383-2392. doi: 10.1007/s13300-018-0524-z. Epub 2018 Nov 3. PMID: 30392095; PMCID: PMC6250637.
[7] R. E. Ratner, S. C. L. Gough, C. Mathieu, S. Del Prato, B. Bode, H. Mersebach, L. Endahl6 & B. Zinman. Diabetes, Obesity and Metabolism Volume 15, Issue 2 p. 175-184. https://doi.org/10.1111/dom.12032