ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ THUỐC TIÊM KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT
Đái tháo đường là bệnh lý biểu hiện bằng sự gia tăng lượng đường glucose trong máu. Tất cả các tế bào trong cơ thể bạn đều cần sử dụng đường để hoạt động bình thường. Đường đi vào trong tế bào nhờ một hormone gọi là insulin, được tạo ra từ tụy. Nếu cơ thể bạn thiếu insulin hoặc insulin giảm tác dụng, đường sẽ đi vào trong máu và làm gia tăng đường huyết, dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Có hai loại đái tháo đường chính là típ 1 và típ 2:
- Đái tháo đường típ 1: Tụy không tạo ra được insulin.
- Đái tháo đường típ 2: Tác dụng của insulin bị giảm dù lượng insulin trong cơ thể bình thường hoặc tăng, và theo thời gian, dần dần tụy cũng không tạo ra đủ insulin.
Cả đái tháo đường típ 1 và típ 2 đều có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau, đôi khi chúng rất nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bạn có thể làm giảm nguy cơ biến chứng nếu giữ đường huyết ổn định và được bác sĩ kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Để kiểm soát đường huyết ổn định, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng các loại thuốc khác nhau. Xét về đường dùng, có thể chia làm hai loại thuốc: Thuốc uống và thuốc tiêm. \
Riêng về thuốc tiêm, hiện nay có 2 nhóm thuốc chính, đó là insulin và chất đồng vận thụ thể GLP-1.
Trong đó nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 được Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo sử dụng trước insulin vì đã được chứng minh làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch, giảm cân, giảm nguy cơ hạ đường huyết bên cạnh việc giảm đường huyết
HẦU HẾT NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG ĐỀU NGẠI TIÊM THUỐC
Nếu bác sĩ của bạn tư vấn cho bạn nên bắt đầu tiêm thuốc để kiểm soát đường huyết, chắc chắn bạn sẽ rất lo lắng. Phản ứng của bạn là bình thường, vì hầu hết những ai chuẩn bị tiêm cũng đều e ngại với suy nghĩ bệnh của mình đang trở nặng, việc tiêm thuốc gây đau và không muốn người xung quanh biết. Nhưng ở góc độ chuyên môn, việc tiêm thuốc cũng không khác việc dùng thuốc uống, chỉ khác ở dạng bào chế sản phẩm. Hơn nữa, việc tiêm thuốc khá đơn giản, hiệu quả, giúp phòng ngừa biến chứng, và quan trọng hơn là duy trì chất lượng cuộc sống bình thường cho người bệnh. Điểm then chốt trong sử dụng thuốc tiêm là người bệnh cần được huấn luyện kỹ thuật tiêm chuẩn để có thể tự tiêm tại nhà và biết cách theo dõi, xử trí những tác dụng phụ thường gặp.
Những nỗi sợ liên quan đến việc tiêm thuốc sẽ lần lượt được trình bày dưới đây.
TIÊM THUỐC CÓ GÂY ĐAU KHÔNG?
Trước đây khi người bệnh còn phải sử dụng lọ thuốc và kim tiêm (xilanh) riêng, việc tiêm thuốc có thể gây đau nhẹ. Nhưng hiện nay, với tiến bộ của công nghệ sản xuất, thuốc tiêm được đóng gói ở dạng bút và kim tiêm cực nhỏ. Nhờ đó, cảm giác đau là không đáng kể, giống như thủ thuật trích máu ở đầu ngón tay để đo đường huyết, và thậm chí hoàn toàn không đau đối với một số người bệnh.
TIÊM THUỐC CÓ GÂY TỔN THƯƠNG DA KHÔNG?
Việc tiêm thuốc lặp đi lặp lại kéo dài ở cùng một vị trí da có thể dẫn đến bất thường mô mỡ (teo hoặc phì đại mô mỡ). Để khắc phục hiện tượng này, người bệnh chỉ cần thay đổi vị trí tiêm thường xuyên, vùng da sau khi tiêm được “nghỉ ngơi” sẽ không bị tổn thương.
TIÊM THUỐC CÓ LÀM TĂNG CÂN KHÔNG?
Có 2 câu trả lời cho vấn đề này:
Insulin là một hormon có tác dụng dự trữ và chuyển hóa năng lượng, vì vậy có thể gây tăng cân cho người bệnh.
Ngược lại, chất đồng vận thụ thể GLP-1 là một hormon có tác dụng giữ dạ dày căng đầy lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn nên có thể giúp người bệnh giảm cân, điều này rất có lợi cho các bệnh nhân đang thừa cân hoặc béo phì.
TIÊM THUỐC NGHĨA LÀ VIỆC ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG ĐÃ THẤT BẠI?
Đây là hiểu lầm tai hại nhất. Cần nhớ rằng đái tháo đường típ 2 là một bệnh lý tiến triển với sự suy giảm liên tục chức năng của tế bào beta tuyến tụy. Vì thế, theo thời gian, bác sĩ sẽ phải điều chỉnh toa thuốc của bạn cho phù hợp với chức năng tế bào beta, và các thuốc tiêm kiểm soát đường huyết sẽ phải có mặt trong hành trình đó. Tiêm thuốc đúng thời gian và đúng kỹ thuật là một trong số các biện pháp giúp đạt được mục tiêu điều trị, đồng thời giúp người bệnh giảm biến chứng.
TIÊM THUỐC CÓ GÂY HẠ ĐƯỜNG HUYẾT KHÔNG?
Một ưu điểm nổi bật của chất đồng vận thụ thể GLP-1 là thuốc rất ít khi gây hạ đường huyết. Ngược lại, hạ đường huyết lại là tác dụng phụ khá phổ biến đối với liệu pháp insulin, vì vậy người bệnh nên có sẵn máy theo dõi đường huyết cá nhân để có thể kiểm tra đường huyết khi có triệu chứng nghi ngờ bị hạ đường huyết.
TIÊM THUỐC CÓ GÂY TỐN KÉM NHIỀU KHÔNG?
Xét về mặt chi phí, chất đồng vận thụ thể GLP-1 có giá khá cao so với các loại thuốc hạ đường huyết khác. Riêng insulin thì có nhiều thế hệ, nhiều nhãn hàng khác nhau với chi phí khá dao động. Vì thế bác sĩ sẽ thảo luận kỹ với người bệnh về việc kê đơn các nhóm thuốc này, và bảo hiểm y tế có thể hỗ trợ phần nào chi phí cho người bệnh.
Thực tế, việc sử dụng xilanh, kim tiêm, bút tiêm chỉ dành cho cá nhân. Vì vậy nếu giữ vệ sinh tốt thì có thể tái sử dụng kim tiêm một vài lần, giúp tiết kiệm chi phí thay kim cho người bệnh.
THUỐC TIÊM KHÔNG PHẢI TỰ NHIÊN MÀ DO CON NGƯỜI CHẾ TẠO RA?
Hầu hết các thuốc tiêm hiện đang lưu hành trên thị trường là do con người bào chế bằng công nghệ hóa học, không dùng phương pháp chiết xuất từ động vật như trước đây. Lợi thế của thuốc tiêm sản xuất bằng công nghệ hóa học là tạo ra nhiều chủng loại thuốc phong phú, cho thời gian tác dụng khác nhau để phục vụ cho những dạng người bệnh riêng biệt. Ví dụ, insulin được sản xuất thành nhiều dạng như insulin tác dụng dài (kiểm soát đường huyết trước ăn và trong đêm), insulin tác dụng ngắn (kiểm soát đường huyết sau ăn) hay insulin hỗn hợp. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã giúp các thuốc tiêm hiện đại có độ thuần khiết cao, nhờ đó tránh được phản ứng dị ứng cho người sử dụng.
VIỆC TIÊM THUỐC CÓ PHIỀN PHỨC VÀ BỊ HIỂU NHẦM LÀ NGHIỆN KHÔNG?
Với việc sản xuất thuốc tiêm ở dạng bút, việc bảo quản và kỹ thuật tiêm thuốc không quá khó khăn nếu được huấn luyện đúng cách. Ngoài ra, khi tiêm thuốc, nhiều bệnh nhân thường ngại mọi người xung quanh đánh giá là nghiện chất kích thích. Ở nước ngoài, người bệnh có thể tiêm thuốc công khai, bởi mắc bệnh đái tháo đường chẳ́ng có gì phải xấu hổ. Thật ra bút tiêm rất nhỏ gọn và thuận tiện khi mang đi xa, và người bệnh có thể tiêm rất dễ dàng, nhanh chóng trong vòng 1 phút.
BSCKI. Lê Hoàng Bảo – Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y học thành phố Hồ Chí Minh