Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới năm 2019 (IDF), tại Việt Nam có 3.8 triệu (độ tuổi 20-79), chiếm 6% dân số trưởng thành mắc đái tháo đường, và dự kiến là 6.3 triệu người năm 2045. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi.
Nhằm nâng cao hiểu biết của người dân và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người bệnh đái tháo đường, Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến với bạn đọc chủ đề “Kiểm soát toàn diện bệnh đái tháo đường típ 2”
Chuyên gia: PGS.TS. Trần Thị Thanh Hóa, Nguyên Phó giám đốc – Bệnh viện Nội tiết TW
Thời gian: 15:00 – 16:30, ngày 06/10/2021
Nội dung buổi tư vấn trực tuyến độc giả có thể xem chi tiết trên fanpage: Đái tháo đường tại đây
Sau đây là nội dung một số câu hỏi mà độc giả gửi về nhưng do thời lượng trực tuyến có hạn nên chúng tôi xin phép gửi câu trả lời của chuyên gia qua đây:
Câu 1: Thưa Bác sĩ, hiện nay GLP1 được đánh giá là nhóm thuốc có tác động trên mảng xơ vữa, vậy cụ thể lợi ích của nhóm thuốc này mang lại cho bệnh nhân là gì ạ?
Trả lời: Nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 tác động trên tim mạch chủ yếu xoay quanh hiện tượng xơ vữa động mạch. Thụ thể GLP-1 được biểu hiện chính ở tiểu đảo tụy, là nơi để thuốc gây hiệu ứng kích thích tiết insulin, ức chế tiết glucagon, từ đó làm giảm đường huyết. Tuy nhiên, các thụ thể này còn biểu hiện đa dạng khắp hệ mạch máu, là tiền đề để thuốc phát huy tác dụng bảo vệ tim mạch. Một số hiệu quả của đồng vận thụ thể GLP-1 đã được tìm thấy từ các nghiên cứu tiền lâm sàng hay dược lý lâm sàng và được chia làm hai nhóm chính
(1) trên tim: giảm viêm; tăng hấp thu glucose vào tế bào để lấy năng lượng, cải thiện chức năng thất trái; và hạn chế tổn thương tế bào cơ tim ngay cả trong tình trạng thiếu máu cục bộ;
(2) trên mạch máu: ngăn ngừa hay làm chậm tiến trình xơ vữa động mạch, kháng viêm và ổn định mảng xơ vữa; chống kết tập tiểu cầu; giãn mạch, ức chế tăng sinh lớp cơ trơn động mạch, cải thiện chức năng nội mô, từ đó làm tăng lưu lượng máu đến cơ quan đích. Về mặt lâm sàng, đồng vận thụ thể GLP-1 (ví dụ liraglutide) đã được chứng minh làm giảm đường huyết theo cơ chế phụ thuộc glucose, giúp đạt mục tiêu glycosylated haemoglobin (HbA1c) với nguy cơ hạ đường huyết thấp; giảm huyết áp; tác động theo hướng tích cực trên dung mạo lipid; và khả năng giảm cân mạnh, duy trì kéo dài.
Câu 2: bác sỹ cho hỏi làm thế nào để phòng tránh được các biến chứng nguy hiểm của ĐTĐ như cắt cụt chi. Biến chứng tim mạch ạ?
Trả lời: Muốn phòng tránh được các biến chứng nguy hiểm của ĐTĐ như cắt cụt chi, biến chứng tim mạch bác phải kiểm soát chế độ ăn kiêng tập luyện, kiểm soát đường huyết lúc đói, đường huyết 2h sau ăn, chỉ số Hba1c, kiểm soát huyết áp, lipid máu,nếu có nghiện hút thuốc lá nên ngừng hút và chọn nhóm thuốc bảo vệ được tim mạch, thận và các cơ quan đích ví dụ như GLP1 và SGLT2.
Câu 3: Tôi nghe nói có 2 nhóm thuốc mới tốt là GLP1 và SGLT2. Có thể phối hợp nhóm thuốc GLP1 và SGLT2 để hiệp đồng tác dụng không ạ?
Trả lời: Cả hai nhóm đồng vận thụ thể GLP-1 và SGLT-2 đều là 2 nhóm thuốc có bằng chứng tốt trên tim mạch. Mặc dù cùng mang lợi ích tim mạch nhưng đồng vận thụ thể GLP-1 và ức chế SGLT-2 khác nhau về cơ chế hoạt động, dẫn đến cách thức bảo vệ tim mạch khác nhau và từ đó, đối tượng dân số được hưởng lợi cũng khác biệt. Ức chế SGLT-2 có thể phù hợp hơn với bệnh nhân suy tim hay có bệnh thận mạn kèm albumin niệu, trong khi đồng vận thụ thể GLP-1 nên là lựa chọn ưu tiên ở bệnh nhân đã có bệnh tim mạch xơ vữa hay yếu tố nguy cơ cao của bệnh tim mạch xơ vữa, kể cả người suy thận nặng với độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) <30 ml/phút/1.73m2 (trừ bệnh thận mạn giai đoạn cuối). Về việc phối hợp thuốc gần đây trong 1 bài báo cáo trình bày trong hội nghị đái tháo đường hoa kì trình bày các bằng chứng cho thấy rằng 2 thuốc này có tác động hỗ trợ lẫn nhau mà không dẫm chân lên nhau vì vậy có thể phối hợp cho các bệnh nhân đái tháo đường típ 2, chúng ta cũng chờ thêm các hướng dẫn cụ thể từ các hướng dẫn lâm sàng.
Câu 4: Hiện tôi đang dùng 3 loại thuốc viên tiểu đường rồi mà theo dõi đường huyết vẫn còn cao, vậy có thể thêm thuốc uống được nữa không hay phải tiêm ạ?
Trả lời: Bạn cần thêm các thông tin cụ thể các thuốc đang sử dụng và bạn có đang theo dõi đường huyết sau ăn, đường huyết lúc đói hay HbA1c ? Bạn có các yếu tố nguy cơ tim mạch hay không: béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hút thuốc, có đạm niệu, suy giảm chức năng thận, phì đại thất trái, bệnh võng mạc…
Theo các khuyến cáo hiện nay cá thể hóa trong điều trị, nếu có yếu tố nguy cơ tim mạch cao nên sử dụng thêm SGLT2i hoặc GLP1 bất kể HbA1c đã đạt mục tiêu hay chưa.
Theo AACE khi HbA1c >9% có thể xem xét kết hợp insulin, hoặc khi phác đồ phối hợp 3 thuốc chưa đạt mục tiêu có thể kết hợp thêm insulin hoặc thuốc GLP1.
Câu 5: Tôi bị đái đường mới phát hiện cách đây 1 năm nhưng đường huyết vẫn thường xuyên cao, bác sỹ có chỉ định thuốc tiêm cho tôi được không hay phải đợi giai đoạn sau ạ?
Trả lời: Tiêm insulin phải có chỉ định điều trị khi đường huyết > 15 mml/l, chỉ só Hba1c > 9% hoặc có kèm theo suy gan, suy thận và nhiễm trùng cấp tính mới sử dụng insulin chứ không phải đợi giai đoạn sau, nếu đường huyết cao, mất nước mà không tiêm insulin là bệnh ĐTĐ sẽ nặng lên. Có nhiều trường hợp chỉ dùng isulin một giai đoạn, khi kiểm soát được đường huyết và chỉ số HbA1c sẽ chuyền dần sang thuốc viên bằng đường uống.
Câu 6: Có phải ĐTĐ là bệnh di truyền không bác sỹ? Tôi có bố đẻ bị ĐTĐ thì tôi có thể làm gì để tránh nguy cơ bị ĐTĐ?
Trả lời: ĐTĐ là một bệnh cũng có yếu tố về di truyền, bố đẻ anh bị ĐTĐ thì anh cũng có nguy cơ cao. Nếu anh có béo phì, vòng eo > 90 cm, rối loạn lipid máu, hoặc hút thuốc lá thì 6 tháng /lần anh phải kiểm soát đường huyết, Hba1c, chức năng gan thận, theo dõi sát và phải điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện để đề phòng mắc bệnh ĐTĐ sớm.
Câu 7: Có loại thuốc nào giúp hạ đường huyết tốt, giảm cân, bảo vệ tim mạch, không làm tăng men gan không?
Trả lời: Hiện nay có rất nhiều nhóm thuốc điều trị đái tháo đường trên thị trường: Metfformin, Sulfonyl urea, ức chế DPP4, đồng vận GLP1, TZD, insulin, SGLT2i, thuốc ức chế Glucosidase (Glucobay). Tuy nhiên tối ưu hóa các mục tiêu điều trị, vừa đạt mục tiêu trước mắt kiểm soát tốt đường huyết, an toàn không làm tăng men gan, giảm cân nhẹ; vừa đạt các mục tiêu lâu dài bảo vệ tim mạch, bảo vệ thận cho bệnh nhân thì có nhóm thuốc đường uống là SGLT2 và đường tiêm là GLP1.
Câu 8: Tôi bị suy thận giai đoạn 4, có thuốc điều trị ĐTĐ nào giúp duy trì chức năng thận cho tôi không?
Trả lời: Theo nghiên cứu Camellia và Carolina thì có UCDDP4 linaglitin 5 mg là thuốc được chỉ định cho bệnh nhân ĐTĐ suy thận, dùng một liều duy nhất 5 mg không phải chỉnh liều cho tất cả các giai đoạn suy thận hoặc có thể sử dung insulin.
Câu 9: Ngoài biện pháp tập thể dục thì có toa thuốc nào giảm cân cho người tiểu đường bị thừa cân không ạ? Tôi thấy nhiều người ĐTĐ bị thừa cân và tôi cũng thế ạ.
Trả lời: Bản thân bệnh đái tháo đường thừa cân, béo phì cũng được coi yếu tố nguy cơ tim mạch cao. Hiện nay có nhóm thuốc ức chế SGLT2 vừa kiểm soát đường huyết tốt, vừa bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa tiến triển bệnh thận cho Bệnh nhân. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng giảm cân ở bệnh nhân ĐTĐ. Các nghiên cứu cho thấy, SGLT2i giảm 3.7% – 4.5% cân nặng ban đầu của bệnh nhân với mọi mức BMI dưới 22, từ 22-25, trên 25, hiệu quả giảm cân tuyến tính với cân nặng ban đầu của BỆNH NHÂN. Đặc biệt lợi ích giảm cân đến chủ yếu 80% từ giảm mỡ tạng, giảm kích thước vòng bụng. Với những bệnh nhân BMI trên 30 hoặc trên 27 có huyết áp cao, đái tháo đường hoặc rối loạn lipid máu, muốn giảm cân tích cực và có thể tiêm, cân nhắc lựa chọn thêm đồng vận GLP1
Câu 10: Tôi đã có tiền sử đột quỵ, bị đái tháo đường và tăng huyết áp, có loại thuốc điều trị ĐTĐ nào dự phòng hoặc tốt cho người bị đột quỵ không?
Trả lời: Bác đã bị ĐTĐ, THA và đột quỵ là yếu tố nguy cơ tim mạch rất cao. Nếu BMI >23 thì bác nên sử dụng nhóm GLP1 và SGLT2 để điều trị và dùng thêm thuốc huyết áp, thuốc hạ lipid máu, vitamin nhóm B và sử dụng thuốc chống đông pletaal100mg uống 1 viên sau ăn tối.
Câu 11: Tôi uống thuốc viên thường bị tăng men gan,có loại thuốc nào điều trị ĐTĐ mà không ảnh hưởng chức năng gan không ạ?
Trả lời: Nếu bác uống thuốc mà bị tăng men gan thì thuốc insulin là lựa chọn cho bác, nếu men gan tăng gấp 2-3 lần thì có thể dùng thuốc nhóm GLP1 và SGLT2.
Câu 12: Có phải tiêm thuốc tiểu đường là giai đoạn nặng của bệnh không ạ BÁC SỸ?
Trả lời: Không chắc hẳn là như vậy.Tiêm insulin phải có chỉ định điều trị khi đường huyết > 15 mml/l, chỉ só Hba1c > 9% hoặc có kèm theo suy gan, suy thận và nhiễm trùng cấp tính mới sử dụng insulin chứ không phải hoàn toàn tiêm isulin là bệnh nặng. Có nhiều trường hợp chỉ dùng isulin một giai đoạn khi kiểm soát được đường huyết sẽ chuyền dần sang thuốc viên bằng đường uống.
Câu 13: Tôi phải di chuyển nhiều mà đang phải dùng insulin, vậy có cách nào giảm bớt liều tiêm/mũi tiêm không ạ?
Trả lời: Bạn đang tiêm insulin liệu pháp mấy mũi/ ngày, bạn bị ĐTĐ tuyp 1 hay ĐTĐ tuýp 2. Nếu ĐTĐ tuýp 1 thì liệu pháp tiêm insulin là bắt buộc chỉ có tăng hay giảm liều isulin cho phù hợp với kiểm soát đường huyết. Nếu ĐTĐ tuýp 2 chức năng gan thận bình thường thì có thể kết hợp tiêm isulin với thuốc viên, hiện nay có các loại bút tiêm insulin bạn có thể sử dụng khi di chuyển mà cũng không phiền hà.
Câu 14: Bệnh nhân ĐTĐ tử vong do nguyên nhân tim mạch nhiều, vậy có phương pháp nào dự phòng các biến cố tim mạch không ạ?
Trả lời: Hiện nay FDA cũng như Bộ Y tế Việt Nam duy nhất duyệt chỉ định phòng ngừa tử vong tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ có bệnh lý tim mạch với Thuốc viên đường uống là Jardiance.
Câu 15: Tôi bị đái tháo đường thai kỳ, hiện tại BMI 30, tôi rất sợ sẽ tiến triển thành bệnh đái tháo đường thực sự, bác sỹ có lời khuyên gì cho tôi để có thể tránh được nguy cơ mắc ĐTĐ trong tương lai?
Trả lời: Sau khi sinh xong bạn phải điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện và làm lại nghiệm pháp tăng đường máu sau sinh 4- 6 tuần để biết bạn có bị ĐTĐ thực sự hay không?
Câu 16: Bác sỹ cho tôi hỏi làm thế nào để nhận biết khi có cơn hạ đường huyết? và cách xử trí khi bị hạ đường huyết ạ?
Trả lời: khi bạn có các biểu hiện mệt đột ngột, chân nặng, đau đầu, chóng mặt thủi đi,có các triệu chứng như đói cồn cào, vả mồ hôi, mắt nhìn mờ, tay chân lạnh, run lẩy bẩy, tim đập nhanh, cám giác đói, đau bụng,có thể đi ngoài đó là các triệu chứng báo hiệu hạ đường huyết, lúc này nếu bạn còn tỉnh táo và có máy xét nghiệm đường huyết cá nhân, hoặc nhờ người thân thử test đường huyết mao mạch ngay nếu xét nghiệm đường huyết < 4,0 mmol/l là bắt đầu có hạ đường huyết, lúc này các bạn có bất kể loại thức ăn gì sẵn có là phải ăn ngay, hoặc lấy 1 cốc nước 200ml cho 3 miếng đường nhỏ mỗi miếng 5 g đường quấy đều uông luôn, hoặc uống 1 lon coca có đường, xứ trí đường huyết ổn định sau đó đi khám lại để các bác sỹ điều chỉnh lại liều thuốc cho.
Câu 17: Thưa cô, em có bệnh nhân dị ứng với insulin dù đã thử nhiều loại, vậy có giải pháp nào kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân không ạ?
Trả lời: Thực tế Isulin Analog rất hiếm khi gây dị ứng, em xem cách sử dụng và cách tiêm isulin đã đúng chưa, nếu như em bị ĐTĐ tuýp 1 muốn thay thế bằng thuốc viên để kiểm soát đường huyết thì hiện nay chưa có chỉ định, nếu em là ĐTĐ tuýp 2 thì có rất nhiều loại thuốc viên để thay thế.
Câu 18: Tôi đang dùng cả thuốc viên và insulin, mà liều insulin được dùng càng ngày càng tăng lên, vậy có liều tối đa của insulin không ạ? Hiện tại tôi đang tiêm 70 đơn vị mà đường huyết vẫn chưa kiểm soát được.
Trả lời: Nếu tiêm insulin mà liều sử dụng > 80 đơn vị/ ngày gọi là kháng insulin, insulin có liều tối đa nhưng cá thể cho từng người bệnh. Nếu bác tiêm isulin với liều 70 đơn vị/ ngày mà chưa kiểm soát được đường huyết thì cần sử dung thêm các loại thuốc viên để kiểm soát đường huyết, hoặc bác có thể sử dụng phối hợp thuốc GLP1 để giảm liều isulin.
Câu 19: Có phải bị đái tháo đường là đói về đêm không ạ? Tôi thường bị đói và phải ăn đêm nhiều ạ.
Trả lời: Bệnh ĐTĐ không gây đói về đêm, bác bị đói về đêm phải xem là đang được điều trị bệnh ĐTĐ bằng loại thuốc gì? Nếu đang tiêm insulin mũi 21h nên xét nghiệm đường huyết mao mạch trước khi tiêm để điều chỉnh liều insulin, ban đêm gan sẽ tăng tổng hợp glucose nên khi ăn đêm đường huyết buổi sáng sẽ tăng, ăn đêm sẽ không tốt cho sức khỏe, bác đi khám lại để các bác sỹ cho lại phác đồ điệu trị cho phù hợp.
Câu 20: Khi bệnh nhân ĐTĐ bị mắc COVID-19, bệnh nhân có thể bị nặng bệnh ĐTĐ và tình trạng mắc COVID-19 tệ hơn không thưa bác sĩ?
Trả lời: Khi bị ĐTĐ bị mắc COVID-19 thì tình trạng bệnh lý ĐTĐ sẽ nặng lên vì vậy bạn nên tiêm phòng vaccin COVID – 19 càng sớm càng tốt, kiểm soát đường huyết và các yếu tố nguy cơ và nhập viện để các bác sỹ theo dõi.
Câu 21:Từ độc giả Hiền Nguyễn gửi qua email:
Xin chào bác sĩ. Bác sĩ cho em hỏi “ bố em đợt vừa rồi đường lên 23 nên phải nhập viện điều trị bằng tiêm insulin 9 ngày, ông bị tiểu đường hơn 10 năm nhưng chỉ điều trị bằng thuốc uống, đây là lần đầu tiên phải tiêm vì lên cao. Sau khi điều trị, bác sĩ cho thuốc về tiêm tiếp. Sau 5 ngày bố em tự test thử ở nhà thì khi đói là 5, sau ăn tối là 12. Như vậy có ổn không ạ? Nếu chưa ổn thì tiếp tục tiêm theo liều cũ hay sao ạ? Nếu sau này ổn định thì bố có chuyển sang uống thuốc được không ạ? Vì đợt này chỗ em đang phong tỏa nên không đi khám được ạ. Em cảm ơn bác sĩ nhiều.
Trả lời: Bố em đã bị ĐTĐ 10 năm và đường huyết 23,0 mmol phải nhập viện và tiêm insulin là đúng, khi đường huyết đã ổn thì giảm bớt liều và mũi tiêm insulin phối hợp với thuốc uống, theo dõi 1 thời gian nếu kiểm soát được thì mới thay thế bằng thuốc viên hoàn toàn, chú ý xét nghiệm chỉ số HbA1c là bao nhiêu?
Câu 22: Từ độc giả Vũ Sơn gửi qua email:
Xin chào bác sỹ, tôi năm nay 42 tuổi mới phát hiện cao huyết áp 3 tháng 140/90 có xét nghiệm đường huyết lúc đói 5.7 HbA1c 5.7 làm dung nạp đường sau uống hai tiếng 10.3 sau đó thực hiện chế độ ăn một tháng kiểm tra lại bên Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm đường đói 6.1 chỉ số 4.8_6.0 dung nạp đường 2 tiếng 7.3 và 7.6. Sau 1 tháng thực hiện chế độ ăn kiểm tra lại đường huyết lúc đói 5.3 HbA1c 5.2 nghiệm pháp dung nạp đường sau hai tiếng lại 10.3 vậy cho tôi hỏi tôi có nguy cơ cao bị đái tháo đường không? Thực hiện chế độ ăn và tập thể dục liệu có ngăn chặn được tiến triển tiểu đường tuyp 2 không? Hay phải dùng thuốc thêm mong bác sỹ trả lời giúp xin cảm ơn!
Trả lời: Anh làm dung nạp đường sau uống hai tiếng 10.3 và Hba1c 5,7% như vậy anh đang bị tiền ĐTĐ. Nếu anh có chế độ ăn kiêng luyện tập tốt, xét nghiệm đường huyết mao mạch hàng tuần để theo dõi, kiểm soát cân nặng, kiểm soát huyết áp tốt thì sẽ đẩy lùi được thời gian bị ĐTĐ.
Câu 23: Từ độc giả Nickfacebook: Châu Khánh Cường
Bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ típ 2 và dùng thuốc đều 5 tháng. 1 tháng nay ko dùng thuốc. Kiểm tra đường huyết tĩnh mạch trong giới hạn bình thường. Thì có cần tiếp tục dùng thuốc. Hay chỉ cần thay đổi chế độ sinh hoạt và tập thể dục?
Trả lời: Nếu BMI > 23,0 mà đường huyết của bạn bình thường thì bạn nên sử dụng thuốc mefforminvà điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện, quan trọng chỉ số Hba1c < 7%, đường huyết 2h sau ăn<10,ommol/l
Câu 24:Từ độc giả Nickfacebook: Đặng Thị Hóa Phượng
Tôi mới bị phát hiện mắc ĐTĐ tôi có nên uống thuốc thảo dược?
Trả lời: Thuốc thảo dược chỉ hỗ trợ chứ không chữa được bệnh ĐTĐ.
Câu 25: Từ độc giả Nickfacebook: Lê Hiếu Trung
Cho hỏi tôi mới thử đường 2 lần vào 2 buổi sáng lúc bụng đói. lúc thì 113 lúc thì 122 vậy tôi có khả năng bị tiểu đường không?. Vậy với đường huyết vậy tôi cần phải nên ăn gì kiêng ăn gi vi nếu như không biết cách chỉ 1 thời gian tôi sẽ bị tiểu đường tuýp 2 xin cho lời khuyên.
Trả lời: Nếu bạn xét nghiệm một mẫu máu bất kỳ trong ngày nếu đường huyết > 11,1 mmol/l thì được chẩn đoán xá định là ĐTĐ. Bạn có hai mẫu máu lúc đói là 11,3 và 12,2 mmol/l ( nếu xét nghiệm test mao mạch máy đạt chuẩn hoặc đường huyết tương) thì được chẩn đoán là ĐTĐ. Bạn nên đến cơ sở y tế để xét nghiệm và khám thêm để khẳng định chẩn đoán. Ngoài ra bạn phải ăn kiêng, tập luyện.