Tăng cân do tác dụng phụ khi điều trị đái tháo đường, làm thế
để khắc phục?
BS CK1. Lê Hoàng Bảo – Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Mở đầu
Theo một nghiên cứu dịch tễ vào năm 2020 của bệnh viện Nội tiết trung ương, hiện có khoảng 7% người Việt Nam mắc đái tháo đường. Trong đó đái tháo đường típ 1 xảy ra khi cơ thể bạn không tạo ra đủ
insulin, và đái tháo đường típ 2 xảy ra khi cơ thể bạn không thể sử dụng insulin một cách phù hợp. Hậu quả là đường huyết sẽ tăng cao và đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Đa số bệnh nhân hiện nay đang mắc đái tháo
đường típ 2. Điều trị đái tháo đường đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Mỗi bệnh nhân cần có một phác đồ điều trị thích hợp riêng biệt. Điều khiến bệnh nhân lo lắng nhất khi mới bắt đầu
sử dụng thuốc là các tác dụng phụ có thể gặp phải. Một trong các tác dụng phụ đó là thay đổi cân nặng, vì thuốc hạ đường huyết có thể gây tăng cân hoặc giảm cân đáng kể.
Vì sao thuốc đái tháo đường ảnh hưởng đến cân nặng?
Thuốc hạ đường huyết ảnh hưởng đến cân nặng thông qua cách cơ thể sử dụng đường glucose như thế nào. Insulin là một hormon giúp chuyển đổi đường trong máu thành năng lượng cho tế bào. Insulin làm cho đường di chuyển từ máu vào trong tế bào, nhờ đó sẽ giảm đường huyết. Khi có nhiều đường trong máu, insulin tác động lên gan để chuyển đường thành chất béo, lâu ngày sẽ dẫn đến tăng cân. Khi bệnh nhân sử dụng insulin, nó hoạt động như insulin tự nhiên, nghĩa là thúc đẩy quá trình chuyển đường thành béo, cho đến khi đường huyết được kiểm soát tốt hơn. Đó là lý do vì sao tác dụng phụ gây tăng cân của insulin thường gặp nhất khi mới bắt đầu điều trị. Điều này cũng xảy ra khi bạn sử dụng các loại thuốc kích thích cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn. Một lý do khác là khi thuốc gây hạ đường huyết quá mức cần thiết sẽ khiến bệnh nhân bị đói và phải ăn thêm để nâng đường huyết về mức bình thường. Thói quen ăn nhiều này lâu ngày sẽ gây tăng cân. Tăng cân có thể khiến bệnh nhân khó chịu và ngưng thuốc. Khi đó, nguy cơ biến chứng đái tháo đường sẽ xuất hiện. Hãy báo cho bác sĩ biết nếu bạn thấy cân nặng thay đổi quá nhiều. Bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc để bạn có cân nặng phù hợp hơn. Khi bạn sử dụng thuốc hạ đường huyết, bạn có thể thấy cân nặng thay đổi nhiều nhất trong những tháng đầu tiên. Ví dụ, đa số bệnh nhân tăng cân trong vòng 6 tháng đầu tiên sau khi bắt đầu sử dụng insulin. Tuy nhiên, có thể khác biệt ở từng người, tùy vào chế độ ăn và tập luyện. Ngược lại, một số thuốc hạ đường huyết lại gây giảm cân bằng cách loại bỏ lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể hoặc khiến người bệnh có cảm giác no lâu hơn và khiến họ ăn ít hơn.
Các loại thuốc đái tháo đường có thể gây tăng cân
Có bốn nhóm thuốc đái tháo đường có thể gây tăng cân, bao gồm:
1. Insulin
Insulin là một trong những nhóm thuốc đái tháo đường được sử dụng rộng rãi nhất và có thể gây tăng cân nhiều nhất. Hầu hết các dạng insulin đều gây tăng cân. Bệnh nhân đái tháo đường típ 2 sử dụng insulin có thể tăng trung bình 1,8 kg trong năm đầu tiên. Nhưng một số người có thể tăng đến 5 kg hoặc nhiều hơn trong thời gian này.
2. Sulfonylureas
Sulfonylureas cũng là một nhóm thuốc hạ đường huyết thường gây tăng cân. Nó kích thích tụy tiết ra insulin. Cần nhớ, càng nhiều insulin trong cơ thể nghĩa là càng nhiều đường trong máu được chuyển thành chất
béo. Người dùng sulfonylureas tăng trung bình 2,3 kg.
3. Thiazolidinediones (TZD)
Nhóm thuốc này làm giảm đường huyết bằng cách khiến cơ thể nhạy cảm với insulin nhiều hơn. Nó cũng ảnh hưởng đến gen gây tổng hợp chất béo, và đôi khi gây giữ nước. Người dùng TZD có thể tăng 2,7 đến
4 kg trong 6 tháng đầu tiên và lên đến 5 kg trong 3 đến 5 năm đầu tiên.
4. Meglitinides (glinides)
Nhóm này hoạt động gần giống sulfonylureas, cũng kích thích tụy tiết ra insulin nhưng nhẹ hơn, vì vậy cũng thể gây tăng cân nhưng ít hơn.
Các loại thuốc đái tháo đường gây giảm cân
Có bốn nhóm thuốc đái tháo đường có thể gây giảm cân, được xếp theo mức độ làm giảm cân là:
1. Đồng vận thụ thể GLP-1 như Liraglutide, Semaglutide
Đồng vận thụ thể GLP-1 là nhóm thuốc hạ đường huyết được sử dụng ngày càng nhiều vì vừa giảm được đường huyết hiệu quả và vừa giảm cân mạnh mẽ. GLP-1 là một hormon kích thích tụy sản xuất ra insulin
sau khi bạn ăn. Nó còn giúp chúng ta cảm thấy no giữa các bữa ăn. Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 hoạt động giống như GLP-1 tự nhiên trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu chứng minh bệnh nhân đái tháo đường giảm đến 6
kg (5-8%) khi sử dụng đồng vận thụ thể GLP-1. Một số nghiên cứu khác cho thấy nhóm thuốc này chỉ giả cân nhẹ (khoảng gần 1 kg). Mức độ giảm cân khác biệt tùy vào loại thuốc và liều lượng sử dụng.
2. Ức chế kênh SGLT2
Nhóm thuốc này loại bỏ đường trong máu qua nước tiểu. Càng ít đường trong máu thì càng ít đường chuyển đổi thành chất béo. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế kênh
SGLT2 có thể giảm khoảng 1,8 đến 2,7 kg. Giảm cân có thể xảy ra sau khi dùng thuốc 6 tuần.
3. Metformin
Metformin là một trong những nhóm thuốc hạ đường huyết được sử dụng nhiều nhất. Nó giúp gan giảm sản xuất đường và khiến cơ thể nhạy cảm với insulin tự nhiên nhiều hơn. Metformin không gây giảm cân
cho mọi bệnh nhân. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân có thể giảm đến 2,7 kg sau 01 năm sử dụng metformin.
4. Ức chế men glucosidase
Nhóm thuốc này ngăn cản hấp thu đường ở ruột và có thể gây giảm cân nhẹ (0,1 – 0,5 kg). Thuốc có hiệu quả rõ nhất ở những người có chế độ ăn nhiều chất bột đường. Thuốc đái tháo đường không gây ảnh hưởng đến cân nặng
Không phải mọi loại thuốc đái tháo đường đều có ảnh hưởng đến cân nặng. Người ta gọi đây là những thuốc có tác động “trung tính” lên cân nặng. Thuốc ức chế men DPP-4 là nhóm thuốc đái tháo đường đang được sử dụng ngày càng rộng rãi.Chúng làm giảm đường huyết bằng cách làm tăng nồng độ GLP-1 tự nhiên trong cơ thể nhưng yếu hơn so với thuốc đồng vận thụ thể GLP-1. Các nghiên cứu cho thấy nhóm này rất ít ảnh hưởng trên cân nặng.
Tăng cân do thuốc đái tháo đường: Liệu có thể phòng ngừa?
Tăng cân do sử dụng thuốc hạ đường huyết có thể phòng ngừa bằng cách:
1. Ăn kiêng và tập luyện đúng cách: Những hoạt động này giúp ổn định đường huyết và giảm cân.
2. Kết hợp các nhóm thuốc đái tháo đường gây tăng cân với các nhóm thuốc đái tháo đường gây giảm
cân. Nhờ đó kết quả cuối cùng sẽ ít có ảnh hưởng trên cân nặng.
3. Hạn chế bị hạ đường huyết
Tóm lại
Các thuốc hạ đường huyết có vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định lượng đường trong máu. Tuy nhiên thuốc có thể gây thay đổi cân nặng bằng cách ảnh hưởng đến lượng insulin trong cơ thể bạn và cách cơ thể sử dụng đường. Insulin là nhóm thuốc gây tăng cân nhiều nhất, trong khi đồng vận thụ thể GLP-1 gây giảm cân mạnh nhất. Ngược lại, ức chế men DPP4 lại ít có ảnh hưởng trên cân nặng. Bạn nên duy trì một chế độ ăn hợp lý và một thói quen luyện tập đều đặn để duy trì cân nặng lý tưởng, đồng thời thường xuyên trao đổi với bác sĩ điều trị về phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Tài liệu tham khảo
1. Malone M. Medications associated with weight gain. Ann Pharmacother. 2005 Dec;39(12):2046-
55. doi: 10.1345/aph.1G333
2. Mitri J, Hamdy O. Diabetes medications and body weight. Expert Opin Drug Saf. 2009
Sep;8(5):573-84. doi: 10.1517/14740330903081725
3. Phung OJ, Scholle JM, Talwar M, Coleman CI. Effect of noninsulin antidiabetic drugs added to
metformin therapy on glycemic control, weight gain, and hypoglycemia in type 2 diabetes. JAMA.
2010 Apr 14;303(14):1410-8
4. Ross SA, Dzida G, Vora J, Khunti K, Kaiser M, Ligthelm RJ. Impact of weight gain on outcomes
in type 2 diabetes. Curr Med Res Opin. 2011 Jul;27(7):1431-8. doi:
10.1185/03007995.2011.585396
Bài viết nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản lý khám,
chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk.
VN22CD00018