Tối 13/11, Bộ Y tế phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội tổ chức buổi lễ “Thắp sáng hưởng ứng Ngày Đái tháo đường thế giới ” tại vườn hoa Lý Thái Tổ và Hồ Hoàn Kiếm.
Từ 18h-24h ngày 13/11, Hồ Hoàn Kiếm được thắp sáng bằng đèn màu xanh lam để hòa chung không khí kỷ niệm Ngày Đái tháo đường Thế giới cùng các thành phố khác trên toàn cầu.
Buổi lễ “ Thắp sáng xanh lam” đã thu hút sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế, đông đảo sinh viên các trường đại học cùng hàng ngàn lượt khách quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Chủ đề của Ngày Đái Tháo đường 2016 do Liên đoàn Đái tháo đường thế giới đưa ra là Cảnh giác với bệnh đái tháo đường, với hai thông điệp chính là sàng lọc đái tháo đường típ 2 là quan trọng để thay đổi quá trình phát triển của bệnh và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng; sáng lọc biến chứng của đái tháo đường là một phần thiết yếu trong quản lý tất cả các loại bệnh đái tháo đường. Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sàng lọc để chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường type 2 và của việc điều trị nhằm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng.
Để kỷ niệm Ngày Đái Tháo đường Thế giới năm nay, các toà nhà, địa điểm mang tính biểu tượng trên toàn thế giới sẽ được thắp sáng xanh, màu của biểu tượng vòng tròn của bệnh đái tháo đường và cũng là điểm nhấn trong logo chiến dịch Ngày Đái Tháo đường Thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết: Hiện Việt Nam phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật đang gia tăng nhanh và ngày càng trầm trọng của bệnh đái tháo đường nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung. Theo số liệu thống kê, năm 2015, Việt Nam có 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo đến năm 2040 con số này sẽ tăng lên đến 6,1 triệu người. Cũng theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế. Trong đó, phần lớn bệnh nhân không đạt được đầy đủ các mục tiêu điều trị. Số liệu cũng cho thấy cứ 10 bệnh nhân thì gần 6 người bị biến chứng do đái tháo đường. Căn bệnh này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều người Việt Nam khi dân số già đi vì người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc đái tháo đường cao cấp hai lần so với những người ở độ tuổi thấp hơn.
Bệnh đái tháo đường có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia.
Hiện có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc, trong số nam giới uống rượu bia có ¼ uống ở mức nguy hại, khoảng 2/3 số người dân ăn thiếu rau và trái cây và có tới gần 30% thiếu hoạt động thể lực.
Sự gia tăng các hành vi nguy cơ đã dẫn tới các rối loạn sinh – chuyển hóa như thừa cân béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu, từ đó dẫn tới mắc bệnh.
Dịp này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh- Bộ Y tế kêu gọi mọi người dân hãy có trách nhiệm với sức khoẻ của mình, quan tâm đến và duy trì cuộc sống khoẻ mạnh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh tật khác.
Các nhân viên y tế cần nâng cao nhận thức và kiến thức về đái tháo đường cho mọi người; tăng cường trình độ chuyên môn để tư vấn, điều trị, quản lý bệnh đái tháo đường hiệu quả.
Các nhà hoạch định chính sách cần xác định phòng, kiểm soát đái tháo đường là một nhiệm vụ ưu tiên của ngành y tế; thực hiện các chiến lược và chính sách hiệu quả để phòng ngừa và quản lý bệnh, để bảo vệ sức khỏe của người dân không mắc bệnh đái tháo đường hoặc chung sống có chất lượng với bệnh đái tháo đường.
Bộ Y tế cũng kêu gọi các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức và mọi người dân hãy quan tâm, cảnh giác với bệnh đái tháo đường, cùng thắp sáng mầu xanh hy vọng vào tương lai tươi sáng của hoạt động phòng, kiểm soát bệnh./.