Gia đình bạn có nguy cơ mắc đái tháo đường không? Hãy đặt câu hỏi cho chúng tôi để nhận được trả lời từ các chuyên gia hàng đầu về đái tháo đường
Trước sự gia tăng về tỷ lệ mắc bệnh và gánh nặng của đái tháo đường, thì việc phát hiện sớm và phòng ngừa đái tháo đường là thực sự cần thiết. Để giúp bạn đọc có thể nhận biết và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ tổ chức buổi tư vấn trực tuyến chủ đề: “Gia đình có thể làm gì để hỗ trợ bệnh nhân đái tháo đường” lúc 14 giờ, Thứ ba, ngày 20/11/2018.
Chuyên gia sẽ tư vấn cho độc giả: TS. BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai.
Sau đây là nội dung tư vấn từ chuyên gia hàng đầu về đái tháo đường:
14:17 Nguyễn Thị Nga, 40 tuổi, Thái Nguyên: Bệnh đái tháo đường có phải là bệnh di truyền không thưa bác sĩ? Bố tôi mắc bệnh ĐTĐ, liệu tôi và con tôi sau này có bị mắc không?
Trả lời: Cho đến nay đái tháo đường (ĐTĐ) chưa được khẳng định là bệnh di truyền, ĐTĐ có yếu tố gia đình. Nếu bố mẹ bị ĐTĐ, khả năng con bị ĐTĐ là 50%. Trường hợp bố bạn bị ĐTĐ, thì bạn có nguy cơ ĐTĐ cao hơn người khác. Còn con bạn thì ít có nguy cơ, vì không có quan hệ trực hệ. Nếu nam trên 40 tuổi, nữ trên 45 tuổi thì sẽ có nguy cơ ĐTĐ, nên đi khám sàng lọc, để được phát hiện sớm. Nếu bạn có yếu tố khác, như thừa cân, béo phì , hoặc tăng huyết áp, tiền sử ĐTĐ thai kì, đẻ con trên 4 kg thì khả năng mắc ĐTĐ còn cao hơn nữa.
14:25 Trần Huy Hùng, 63 tuổi, Nghệ An: Bà nhà tôi dạo này bị đi tiểu đêm nhiều, khoảng 3 lần trong 1 đêm dù không thấy uống nước nhiều trước khi ngủ, vợ tôi có bị đái tháo đường hay không?
Trả lời: Tiểu nhiều đặc biệt tiểu nhiều về đêm là một trong những triệu chứng của ĐTĐ. Ở người ĐTĐ, tiểu nhiều kèm các triệu chứng khác như khát nước, gầy sút, mắt mờ hoặc tê bì chân tay. Vì vậy nếu vợ của bác có thêm các triệu chứng khác như vừa liệt kê thì nhiều khả năng bị đái tháo đường. Tuy nhiên còn có nhiều nguyên nhân khác gây tiểu nhiều đêm như đái tháo nhạt, suy thận, vì vậy để xác định được vợ bác có bị đái tháo đường hay không thì vợ bác phải đi khám để được làm xét nghiệm đường máu.
14:30 Anh Túy, 34 tuổi, Thanh Hóa: Thưa bác sĩ, Bố tôi 60 tuổi, hơi béo và bị huyết áp lâu năm. Tôi nên đưa bố tôi đi khám ở đâu để kiểm tra đái tháo đường tại Hà Nội?
Trả lời: Bố anh có ít nhất ba yếu tố nguy cơ của đái tháo đường: tuổi trên 45, tăng huyết áp, béo nên việc xét nghiệm phát hiện xem có bị ĐTĐ hay không là rất cần thiết. Cách đơn giản nhất để xác định ĐTĐ là xét nghiệm đường huyết lúc đói, trên 7 mmol/L là có thể kết luận bị đái tháo đường. Xét nghiệm đường máu có thể làm ở tất cả các bệnh viện trong cả nước. Nếu xét nghiệm đường máu không cao nhưng vẫn nghi ngờ, người bệnh cần được thăm khám và xét nghiệm thêm tại các khoa Nội tiết và các bệnh viện Nội tiết. Ở Hà Nội bạn có thể đưa bố đến đến Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết Trung Ương… Tại các cơ sở này có thể tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán đái tháo đường như: nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống hoặc xét nghiệm HbA1C.
14:33 Bố tôi hút thuốc là rất nhiều, mỗi ngày khoảng 1 bao. Thuốc lá có thể gây nên bệnh đái tháo đường không bác sĩ?
Trả lời: Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ gây nên bệnh đái tháo đường, ước tính ở người hút thuốc lá thì nguy cơ bị đái tháo đường tăng lên 30%-40%. Cơ chế hút thuốc lá gây ra đái tháo đường chưa rõ ràng, nhưng người ta cho rằng nó có liên quan tới tăng tình trạng đề kháng insulin, là một trong cơ chế chính gây ra đái tháo đường típ 2. Xin nói thêm là người bị mắc đái tháo đường hút thuốc là là cực kì nguy hiểm vì thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu dẫn tới tăng nguy cơ bệnh mạch vành và đột quỵ.
14:35 Một bạn đọc hỏi, gần đây, bố tôi 55 tuổi có một số biểu hiện khác thường: ăn nhiều, uống nhiều hơn. Đó có phải là biểu hiện của bệnh đái tháo đường không? Xin nhờ bác sĩ tư vấn các dấu hiệu nhận biết bệnh?
Trả lời: Bệnh đái tháo đường có các triệu chứng điển hình là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và gầy sút. Tuy nhiên các triệu chứng này chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn khi đường máu rất cao. Bệnh đái tháo đường ở giai đoạn sớm có thể hoàn toàn không có triệu chứng gì. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi đã có triệu chứng điển hình của đái tháo đường thì bệnh đái tháo đường đã bị trước đó từ 8 đến 9 năm. Vì vậy để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường từ giai đoạn chưa có các biến chứng thì những người có yếu tố nguy cơ bị đái tháo đường cần được đi khám, sàng lọc định kì hàng năm.
14:38 Độc giả Nguyễn Thị Thắm, Hải Dương hỏi: Bác gái tôi bị đái tháo đường lâu năm, chân có 1 vết thương lâu lành, làm thế nào để khỏi nhanh thưa bác sĩ? BS tư vấn giúp chăm sóc ở nhà như thế nào ạ?
Trả lời: Những bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường huyết không tốt thường sẽ làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể và làm giảm chức năng của bạch cầu, dẫn đến làm giảm sức đề kháng nên sẽ có nguy cơ dễ bị nhiễm trùng và các vết thương lâu lành. Ngoài ra, các vết thương ở người đái tháo đường lâu lành có thể còn do nguyên nhân các mạch máu bị xơ vữa, hẹp hoặc tắc dẫn đến làm giảm cấp máu cho các vùng bị vết thương.
Để vết thương ở người bệnh ĐTĐ nhanh khỏi cần: 1. Kiểm soát tốt đường huyết; 2. Đảm bảo cung cấp máu đủ; 3. Vết loét đó cần được chăm sóc bằng cánh cắt lọc, thay băng và xử dụng các loại băng gạc chuyên biệt có tác dụng làm sạch vết loét và thúc đẩy liền vết loét. Vì người bệnh đái tháo đường không thể tự đánh giá được khả năng vết loét của mình lành sớm hay muộn nên họ cần đến các bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa đánh giá và thăm khám. Người bệnh không nên tự điều trị vết loét tại nhà vì có thể vết loét có nguy cơ lan rộng, nhiễm trùng nặng, có bệnh nhân bị cắt cụt chân do nhiễm trùng nặng.
14:48 Bố tôi hay bị hạ đường huyết, chúng tôi có thể làm gì để giúp bố tôi khi bị vậy? Làm thế nào để phòng tránh hạ đường huyết?
Trả lời: Hạ đường huyết là một biến chứng cực kì nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường đòi hỏi phải được chẩn đoán chính xác và điều trị nhanh chóng. Vì nếu bị hạ đường huyết kéo dài, ví dụ trên 6 tiếng thì người bệnh có thể bị chết não. Xử trí hạ đường huyết tùy thuộc vào tình trạng và ý thức của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tỉnh thì cho uống nước đường, các loại nước ngọt có đường, các loại thức ăn có tinh bột/carbonhydrate.
Trường hợp người bệnh bị hạ đường huyết đến hôn mê, cần được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để tiêm truyền glucose ưu trương. Tuyệt đối không cho bệnh nhân bị hạ đường huyết hôn mê uống hoặc ăn vì có nguy cơ bị sặc vào phổi. Sau khi xử trí hạ đường huyết, cần tìm hiểu nguyên nhân hạ đường huyết là gì để khắc phục. Để phòng tránh hạ đường huyết phải dựa vào nguyên nhân hạ đường huyết. Nhưng nguyên tắc cơ bản để phòng tránh là phải tuân thủ phác đồ điều trị, không tự ý điều chỉnh liều insulin/thuốc viên, không nên bỏ bữa hoặc ăn quá ít. Đồng thời phải theo dõi đường huyết thường xuyên để phát hiện sớm đường huyết ở mức thấp hay ở mức gần báo động.
14:50 Bác Trần Văn Tiến, 65 tuổi, Hà Nam hỏi: Nhiều khi tôi quên ăn trước khi tập thể dục hay nhịn đói thì thường bị mệt mỏi, vã mồ hôi, chóng mặt vậy tôi phải làm gì lúc đó?
Trả lời: Nhiều khả năng bác đã bị hạ đường huyết, để chắc chắn bác nên thử đường huyết khi có các biểu hiện vã mồ hôi, chóng mặt. Nếu đường huyết dưới 4.0 mmol/L thì chắc chắn bác bị hạ đường huyết. Trong trường hợp này, nguyên nhân hạ đường huyết là bác bỏ bữa ăn. Khi bị hạ đường huyết mà còn tỉnh táo, bác cần uống nước đường, nước ngọt, ăn các loại thức ăn có tinh bột. Để phòng tránh hạ đường huyết, bác nên ăn nhẹ trước khi tập thể dục. Và nếu như tập thể dục kéo dài thì nên bổ sung thêm tinh bột trong quá trình tập. Tốt nhất trước khi tập bác nên đo đường huyết, nếu đường huyết dưới 5.5 mmol/L, bác nên ăn trước khi tập, nếu đường huyết trên 15 mmol/L thì bác không nên tập vì đường huyết cao có nguy cơ bị nhiễm toan.
14:55 Bác Nam, Hà Nội hỏi: Bác sỹ hướng dẫn cho tôi Đái tháo đường thì nên dùng thuốc nào là tốt nhất?
Trả lời: Thuốc đái tháo đường tốt nhất là thuốc phù hợp với người bệnh. Để điều trị bệnh đái tháo đường sẽ theo nguyên tắc là điều trị người bệnh chứ không phải điều trị bệnh. Mỗi người tùy độ tuổi, cân nặng, thời gian bị bệnh, đã có biến chứng hay chưa và khả năng kinh tế thì bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp cho mỗi người bệnh. Bên cạnh hiệu quả các thuốc đái tháo đường phù hợp còn đảm bảo các tiêu chí như an toàn, ít nguy cơ gây hạ đường huyết và có thêm tác dụng có lợi khác cho người bệnh như tác dụng làm giảm biến chứng tim mạch, biến chứng thận cho người bệnh.
15:02 Chồng tôi 60 tuổi mới bị đái tháo đường. Tôi là người nấu ăn trong nhà, tôi nên cho ông ấy ăn uống thế nào?
Trả lời: Rất lý thú là tại Hôi nghị Đái tháo đường Châu Âu năm 2017 đã đưa ra thông tin: nguy cơ bị đái tháo đường của chồng sẽ tăng lên theo cân nặng của bà vợ, do thói quen ăn uống, nấu ăn của bà vợ ảnh hưởng tới chồng. Chúng ta biết chế độ ăn là một trong ba trụ cột trong điều trị đái tháo đường. Người mắc đái tháo đường cần chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đủ vitamin và muối khoáng và đảm bảo để người bệnh có sức khỏe lao động và hưởng thụ cuộc sống. Các chuyên gia khuyến cáo thức ăn cho người bị đái tháo đường nên có chỉ số đường huyết thấp, nhiều rau xanh, không nên nấu quá kĩ vì nó làm tăng hấp thu thức ăn và làm tăng đường máu sau ăn. Bác cũng không nên để bác trai ăn quá no vào các bữa chính, bữa chính chỉ nên gồm cơm và thức ăn. Hoa quả nên chuyển vào bữa phụ, cách bữa chính 2-3 tiếng hoặc trước tập thể dục. Các loại hoa quả nên ăn cả múi, nhiều chất xơ, không nên vắt, xay thành sinh tố. Người bệnh nên hạn chế ăn loại mỡ động vật, mỡ no gây rối loạn mỡ máu, tạo nên acid uric trong máu, nên ăn luộc hơn là rán, xào.
15:10 Chị Thắm ở Tuyên Quang: Bác sỹ à, Đường huyết của mẹ tôi cứ lên xuống thất thường, mẹ tôi hay cáu giận, có lúc lại thích thui thủi một mình. Tôi không biết làm gì để giúp mẹ.
Trả lời: Ở người mắc đái tháo đường, đường huyết cao là không tốt, đường huyết thất thường là rất nguy hiểm vì nó làm tăng nguy cơ bị các biến chứng đặc biệt biến chứng về tim mạch và bệnh nhân nguy cơ bị hạ đường huyết rất cao. Hạ đường huyết ở người già thì để lại di chứng về thần kinh và tâm thần. Nếu mẹ bạn bị cáu giận, có lúc lại thích thui thủi một mình có khả năng mẹ bị hạ đường huyết thiếu glucose cung cấp cho não dẫn đến bất thường về mặt thần kinh, tinh thần. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần đưa bà đi khám bác sĩ chuyên khoa để điều chỉnh lại điều trị và được hướng dẫn chế độ ăn thích hợp. Trước mắt bạn nên cho bà ăn chia nhiều bữa nhỏ và nên đo đường huyết thường xuyên hơn đặt biệt khi bà có các biểu hiện bất thường để xem bà có bị hạ đường huyết hay không.
15:20 Một bạn hỏi: Chồng em mắc đái tháo đường 15 năm, gần đây ông ấy hay kêu chân tay bị tê bì, em thấy họ nói là do thiếu canxi có phải không bác?
Trả lời: Những người bệnh đái tháo đường típ 2 có nguy cơ bị loãng xương, nguy cơ này tăng lên nếu là bệnh nhân nữ. Trường hợp chồng bạn bị bệnh 15 năm, hay bị tê bì chân tay, nhiều khả năng là biến chứng thần kinh ngoại vi. Bệnh thường có biểu bị tê bì đầu ngón chân, tay, tê bì tăng lên về đêm và có tính chất đối xứng hai bên. Nếu không được điều trị tốt, sau một thời gian người bệnh sẽ có triệu chứng nóng, rát, đau ngón chân tay và giai đoạn cuối cùng là mất hoàn toàn cảm giác ở chân tay. Để điều trị và ngăn ngừa biến chứng thần kinh ngoại vi do đái tháo đường, người bệnh cần được kiểm soát tốt đái tháo đường, tránh để đường huyết dao động, loại bỏ các yếu tố nguy cơ làm tăng bênh như uống rượu, hút thuốc lá. Bệnh nhân có thể bổ sung vitamin B liều cao. Những người có triệu chứng tê bì, nóng rát, mất ngủ có thể dùng các loại thuốc giảm đau, giảm tê bì chuyên biệt do bác sĩ kê.
15:22 Mẹ cháu bị đái tháo đường 10 năm, mẹ cháu thấy mắt độ này hay nhìn mờ hơn, có phải do ĐTĐ hay mẹ cháu bị bệnh gì ạ.
Trả lời: Đái tháo đường có thể gây ra biến chứng về mắt dưới dạng sau: 1) Đục thủy tinh thể; 2) Tăng nhãn áp gây thiên đầu thống; 3) Nguy hiểm nhất là gây ra bệnh võng mạc do đái tháo đường (tổn thương các mạch máu ở đáy mắt). Để xác định nguyên nhân gây mờ mắt của mẹ bạn thì bạn phải cho bà đi khám chuyên khoa mắt để xem có tổn thương không, tổn thương mức độ nào để có điều trị phù hợp. Theo khuyến cáo, tất cả các bệnh nhân đái tháo đường típ 2 cần được khám mắt định kì hàng năm. Nếu có bệnh võng mạc, cần khám định kì mỗi 6 tháng. Và phải đi khám ngay khi có có các dấu hiệu bất thường như đỏ mắt, mờ mắt tăng lên, dấu hiệu ruồi bay, nhìn đôi vì đó là dấu hiệu nặng của đái tháo đường.
15:25 Minh Thu, Hà Nội: Em mới đi khám bệnh và được Bác sĩ nói bị tiền đái tháo đường,từ khi bị tiền đái tháo đường tới khi bị đái tháo đường thật thông thường mất bao nhiêu năm? Có cách nào để em không bị ĐTĐ không?.
Trả lời: Tiền đái tháo đường có hai dạng: tăng đường máu lúc đói trên 5.6 mmol/L và rối loạn dung nạp glucose. Theo dõi người bị tiền đái tháo đường trong 10 năm người ta thấy nếu để tiến triển tự nhiên thì 50% sẽ chuyển thành đái tháo đường, khoảng 25% sẽ vẫn ở mức tiền đái tháo đường và 25% thì có thể tự trở về bình thường. Có hai cách can thiệp chính để làm chậm quá trình tiến triển bệnh là: 1. Thay đổi lối sống, giảm cân, tăng tập thể dục; 2. Dùng thuốc và một trong số đó là metformin.
15:27 Một bạn ở Hà Nội hỏi: Cháu bị rối loạn chuyển hóa đường sau ăn, HbA1C là 5.3, đường huyết buổi sáng lúc đói thường vào khoảng 6,2. Cháu hay tập thể dục, nhưng không biết tập vào buổi sáng sẽ tốt hơn hay tập sau các bữa ăn, vì sau ăn đường huyết của cháu rất cao, thường là 10-13 nếu không vận động.
Trả lời: Trương hợp này bạn bị tăng đường huyết ở nhiều thời điểm trong một ngày, tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng việc tập thể dục vào thời điểm nào vì nghiên cứu cho thấy tập thể dục có thể cải thiện mức đường huyết kéo dài 48h sau khi tập. Vì vậy bạn nên tập thể dục đều, theo khuyến cáo ít nhất 30 phút/1 ngày và ít nhất 05 ngày/1 tuần.
15:30 bạn ở Hải Phòng hỏi: Bác sỹ cho em hỏi, có thực phẩm chức năng giúp làm chậm phát triển bệnh đái tháo đường không?
Trả lời: Phương thức làm chậm diễn tiến bệnh là chúng ta ổn định đường huyết để bảo tồn chức năng tế bào Beta ở đảo tụy, nơi sản xuất ra insulin. Hiện nay không có thực phẩm chức năng nào được chứng minh giúp làm chậm tiến tiển của tiền đái tháo đường hay đái tháo đường. Thuốc duy nhất đã được chứng minh và có thể được chỉ định để điều trị làm chậm tiến triển bệnh là metformin.
15:37 Bạn ở Ninh Bình hỏi: Mẹ cháu bị đái tháo đường đã lâu, nghe nói thuốc tiêm có hiệu quả hơn, có nên chuyển sang thuốc tiêm không. Mẹ cháu còn bị mỡ máu, tăng huyết áp.
Trả lời: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường rất hay đi kèm với nhau. Đây là bệnh chung là hội chứng chuyển hóa. Người bênh đái tháo đường có bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu có nguy cơ tim mạch cao, nguy cơ tử vong cao. Trường hợp mẹ bạn bị đái tháo đường 15 năm, dùng thuốc uống nếu kiểm soát đường huyết tốt thì không cần chuyển sang cách điều trị khác. Tuy nhiên người bệnh bị đái tháo đường trên 10 năm thường kiểm soát đường huyết kém, dù dùng 3-4 loại thuốc uống, nên dùng insulin (có thể kết hợp với thuốc uống, hoặc insulin đơn thuần) để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
14:43 Chị Quỳnh, Hưng Yên: Bố em 74 tuổi, đang dùng insulin (insulin người) để điều trị bệnh đái tháo đường do bệnh viện tỉnh kê, vì ông suy thận chớm độ 2, bác sĩ không cho dùng thuốc viên nữa. Đường huyết và các chỉ số khác của bố em dạo này ổn định nhưng lại bị tăng cân dù ăn vẫn thế. Ăn ít hơn thì lại dễ hạ đường huyết. Bố em tăng khoảng 3 kg trong 1 năm gần đây. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp bố em để không bị tăng cân nhiều thế?
Trả lời: Insulin là phương pháp điều trị hiệu quả và nó thường là phương pháp điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh lâu năm, kiểm soát đường huyết kém hoặc có nhiều biến chứng như suy thận, sơ gan. Khi điều trị Insulin có tác dụng phụ là hạ đường huyết và làm tăng cân. Vì vậy những người điều trị bằng insulin cần được thử đường máu nhiều lần và phải ăn uống đều. Để hạn chế tình trạng tăng cân người bệnh nên phối hợp với các thuốc uống hạ đường huyết khác nếu có thể. Bố bạn bị suy thận mức độ nhẹ, vẫn có thể dùng loại thuốc viên hạ đường huyết khác như thuốc thuộc nhóm ức chế DPP4. Bạn nên đưa bố đến bác sĩ điều chỉnh lại chế độ insulin, cân nhắc điều trị thuốc uống và các biện pháp khác để điều chỉnh việc tăng cân.
Chị Thủy, 30 tuổi ở Hải Phòng: Cả nhà tôi có tạng người béo và ít tập thể dục thì có nguy cơ mắc bệnh gì?
Trả lời:
Câu hỏi của 1 bạn giấu tên: Tôi mới mắc đái tháo đường, họ hàng mách tôi uống thuốc thảo dược, tôi có nên uống hay không?
Trả lời:
Bác Nam, ở Đống Đa, Hà Nội: Tôi bị đái tháo đường, sau khi tôi uống thuốc đái tháo đường một thời gian thì đường huyết tôi trở về ổn định khi đó tôi có thể ngừng uống thuốc được hay chưa?
Trả lời:
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia đã giúp chia sẻ, tư vấn cho đọc giả về bệnh đái tháo đường. Cảm ơn đọc giả đã tích cực giao lưu trực tuyến. Hy vọng, các kiến thức chia sẻ của các chuyên gia đã góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về đái tháo đường và cách phòng chống.
Bên cạnh buổi giao lưu trực tuyến này, các đọc giả có thể tiếp tục gửi các câu hỏi về bệnh đái tháo đường, qua các kênh sau:
+ Email: dtdbyt@gmail.com
+ Hotline: 0984723924 hoặc 02462732445
+ Website: http://daithaoduong.kcb.vn/lien-he/