Kiến thức về bệnh đái tháo đường Điều trị đái tháo đường Lắng nghe ý kiến chuyên gia
TƯ VẤN TRỰC TUYẾN – Kiểm soát bệnh Đái Tháo Đường trong đại dịch Covid-19

Hiện nay, cả nước và ngành y tế đang chung tay chống đại dịch COVID-19. Theo Tổ chức y tế thế giới, bệnh COVID-19 thường nặng hơn ở những người mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính, ung thư...

Lãnh đạo Bộ Y tế: PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế

Chuyên gia: TS.BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai

PHẦN TRẢ LỜI BẠN ĐỌC

(vui lòng xem thêm video phát trực tiếp của chương trình)

 

 

Dùng thuốc đái tháo đường trong đại dịch COVID-19

1. Một bác giấu tên, Ninh Bình: Năm nay tôi 70 tuổi, mắc đái tháo đường 10 năm nay và bị huyết áp cao nữa. Đang dịch Covid diễn ra, tôi chỉ còn nửa tháng thuốc nữa và nói thật, tôi ngại đi ra ngoài. Vậy tôi có giảm nửa liều để kéo dài thuốc được không ạ?

Trả lời:

Với các bệnh nhân đái tháo đường, kiểm soát đường huyết tốt là cực kỳ quan trọng để ngắn ngừa các biến chứng. Trong thời kỳ dịch bệnh thì kiểm soát đường huyết tốt sẽ giúp người bệnh có sức khỏe tốt chống đỡ dịch bệnh, hạn chế nguy cơ phải đi khám bệnh do đường huyết cao hoặc có biến chứng.

Bác không được phép và không nên mạo hiểm giảm liều thuốc trong thời gian này. Thuốc uống điều trị bệnh giống như cơm ăn và áo mặc hàng ngày, không thể nào ăn nửa bát cơm mà đủ sức làm việc hay chỉ mặc nửa áo đi làm. Nếu bác giảm liều thuốc thì sau 1-2 ngày đường máu sẽ tăng lên, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, và đặc biệt là tăng nguy cơ bị biến chứng nặng, thậm chí tử vong nếu chẳng may bị nhiễm Covid.

Tốt nhất là bác gửi mua đúng theo đơn cũ, và nên mua sớm, trước khi hết thuốc.

2. Bác Hùng, Hà Nội, 67 tuổi: Người mắc đái tháo đường và viêm phổi tắc nghẽn như tôi có dễ bị mắc bệnh Covid-19 không? Làm thế nào để tôi phòng tránh bệnh mắc thêm bệnh Covid và tôi có phải lưu ý gì để giữ bệnh tôi đang mắc không tệ đi trong dịch này không?

Trả lời:

Cho đến nay, người ta không thấy bằng chứng về việc những người bị các bệnh mạn tính dễ bị nhiễm Covid hơn người bình thường. Nguy cơ này phụ thuộc vào các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế đi ra ngoài… Tuy nhiên nếu chẳng may bị nhiễm virus Covid thì người bị đái tháo đường hay bệnh phổi mạn tính sẽ dễ bị biến chứng nặng và nguy cơ tử vong cũng cao hơn từ 3-5 lần, đặc biệt nếu các bệnh nền này không được kiểm soát tốt.

Bác nên uống hoặc tiêm thuốc điều trị đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đầy đủ, kiểm tra đường huyết thường xuyên, tập thể dục đều và ăn uống theo các khuyến cáo để có được sức khỏe tốt, và giữ được bệnh ổn định, không phải đi khám cấp cứu. 

3. Facebook Phan Thiệp: trên thực hành lâm sàng việc điều trị TZD có sử dụng rộng rãi ko ạ

TZD (Thiazolidinedione, gồm Rosiglitazone và Pioglitazone) đã từng là một thuốc điều trị đái tháo đường hiệu quả. Tuy nhiên từ năm 2007, một số nghiên cứu cho thấy thuốc rosiglitazone làm tăng các biến cố và tử vong tim mạch, nên các nước đã loại bỏ thuốc này khỏi các phác đồ điều trị đái tháo đường. Riêng Pioglitazone hiện vẫn được khuyến cáo có thể sử dụng điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường típ 2, nhưng phải cảnh giác với một số tác dụng phụ như loãng xương, phù, ung thư bàng quang nên nhiều bác sỹ ngại dùng. Ở Việt Nam hiện nay hầu như không còn sử dụng thuốc Pioglitazone trong điều trị đái tháo đường nữa.

Người bệnh đang dùng Insulin

4. Bà Liên, 59 tuổi, Hải Phòng: Tôi đang dùng bút tiêm Insulin loại 30/70, tôi được hướng dẫn tiêm xung quanh rốn 4 cm. Giờ tiêm lâu rồi chỗ tiêm nó bị nổi cục lên rất cứng. Tôi không biết tiêm đã đúng chưa thưa bác sĩ? Làm thế nào cho đỡ bị nổi cục lên?

Trả lời:

Nhiều khả năng chị tiêm insulin sai kỹ thuật, thường do 3 nguyên nhân sau:

  • Không thay đổi vị trí tiêm, tiêm nhiều mũi sát nhau dẫn đến phì đại mỡ ở dưới da do vùng đó bị kích thích (tiêm liên tục)

Chị cần biết là những bệnh nhân đái tháo đường cần lưu ý là khi tiêm insulin thì phải thay đổi vùng tiêm (giữa bụng và đùi, hay giữa các vùng ở bụng) và vị trí tiêm định kỳ (các mũi tiêm liền nhau cần cách nhau ít nhất 3 cm).

  • Không đổi kim tiêm, thường sau tiêm 1-2 lần chúng ta phải đổi kim tiêm mới nhưng nhiều người dùng mãi 1 kim tiêm cho cả bút tiêm, hậu quả là kim bị cùn, mẻ… sẽ gây các vi chấn thương vùng tiêm dẫn đến hình thành cục xơ mỡ dưới da
  • Tiêm sai, một số người đâm kim quá nông nên khi bơm thuốc, insulin sẽ đi vào phần trong da chứ không phải dưới da. Do thuốc đọng lại trong da, được hấp thu chậm nên sẽ hinh thành cục cứng dưới da.

Tham khảo thêm sơ đồ vị trí tiêm Insulin

 

5. Ông Thanh, 74 tuổi, Hưng Yên: Tôi đang được bác sĩ kê tiêm insulin. Giờ tôi sắp hết thuốc, tôi cũng ngại đi khám vì sợ nhiễm thêm COVID, con cái tôi cũng gàn, tôi có được chuyển sang thuốc viên theo đơn thuốc cũ được không? Tôi có thể nhờ con tôi đi mua vì gần nhà có hiệu thuốc to.

Trả lời:

Chỉ một số ít bệnh nhân đái tháo đường đang tiêm insulin là có thể chuyển được sang thuốc uống hạ đường huyết, còn đại đa số các BN đã điều trị bằng insulin thì sẽ cần tiêm liên tục. Nếu ví quá trình điều trị đái tháo đường như một con đường thì thuốc uống có tác dụng kích thích tiết insulin sẽ dành cho chặng đầu và insulin dành cho những chặng sau, khi cơ thể không còn sản xuất được insulin nội sinh nữa. Vì thế bác không nên bỏ insulin để quay lại dùng thuốc uống toàn bộ

Một lý do quan trọng nữa là các chuyên gia đều khuyên người bệnh đái tháo đường không nên thay đổi chế độ điều trị trong thời gian này, trừ khi theo yêu cầu của bác sỹ, vì khi thay đổi thuốc thì đường huyết trong thời gian đầu sẽ dao động nhiều, ảnh hưởng không tốt lên sức khỏe và làm giảm sức đề kháng của người bệnh… là những điều cần tránh khi đang có đại dịch.

6. Bác bệnh nhân nam ở Hà Nội: Tôi 60 tuổi mắc đái tháo đường típ 2 đã 10 năm và đã được bác sỹ kê đơn insulin. Trước khi có dịch tôi thường thử đường huyết một lần vào sau ăn trưa là bữa ăn chính. Trong thời gian có dịch tôi cũng hạn chế tới bệnh viện, không gặp bác sỹ đã hơn một tháng nay do sợ mắc COVID-19.

Xin hỏi bác sĩ:

  • Tôi thử đường huyết ngày một lần đủ chưa?
  • Trong thời gian có dịch tôi cần thử đường huyết tối thiểu bao nhiêu lần trong ngày để biết ổn hay không?
  • Nếu mọi việc đều ổn, tôi cứ điều trị tiếp với insulin như trong đơn hiện nay được không?
  • Nếu phải chỉnh liều thì tôi phải làm thế nào?

Trả lời:

Nếu mới chẩn đoán đái tháo đường hoặc mới thay đổi chế độ điều trị, các bệnh nhân đái tháo đường được khuyến cáo nên đo đường huyết 2-4 lần/ngày, còn nếu chế độ điều trị ổn định và đường huyết tương đối tốt thì vẫn cần đo đường huyết 2-3 lần mỗi tuần. Đặc biệt các bệnh nhân cần kiểm tra đường huyết cả trước và sau ăn

Dù kiểm soát đường huyết tốt hay chưa thì trong thời gian dịch bệnh như hiện nay, các bệnh nhân cần đo đường huyết nhiều lần hơn để biết bệnh đái tháo đường của mình có ổn không. Trường hợp của anh, anh nên đo thêm 1-2 lần mỗi ngày, ưu tiên đo vào trước bữa ăn sáng và lúc đi ngủ, như vậy sẽ cho biết toàn diện hơn về diễn biến đường huyết trong cả ngày.

Nếu đường huyết ổn, anh nên duy trì tiếp đơn thuốc đang dùng. Nếu đường huyết cao liên tiếp trong 3-4 ngày thì:

  • Xem lại chế độ ăn và tập luyện trong thời gian này, ví dụ do hạn chế ra ngoài nên ko đi tập được, hoặc ở nhà nên ăn vặt nhiều hơn… thì cần điều chỉnh lại
  • Liên hệ với bác sỹ về cách chỉnh liều insulin hoặc cân nhắc tăng liều insulin khoàng 2 đơn vị, rồi theo dõi để quyết định tiếp.

 

7. Ông Bình, 77 tuổi, Cần Thơ: Tôi mắc đái tháo đường đã 9 năm. Tôi còn bị suy thận nặng đã ba năm nay. Hiện tôi đang được tiêm insulin và khám định kỳ tại bệnh viện đa khoa tỉnh Cần Thơ. Tôi phải đi xe buýt tới bệnh viện. Trong thời gian có dịch COVID, tôi không đi khám bệnh từ 15/2 tới nay vì sợ mắc bệnh. Tôi thử đường huyết 2 lần một ngày sau bữa trưa và bữa tối. Đường huyết lên xuống khá thất thường. Sau bữa trưa 7 mà sau bữa tối là 13 tôi không hiểu vì sao nữa. Tôi vẫn ngại tới bệnh viện lắm vì tàu xe giờ cũng khó. Tôi phải làm gì bây giờ?

Trả lời:

Đường huyết của bác không được kiểm soát tốt nhưng không quá tồi, vì bác đã 77 tuổi và có suy thận thì đường huyết sau ăn ở mức dưới 11-12 mmol/L cũng có thể chấp nhận được.

Các nghiên cứu cho thấy nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh thì nguy cơ mắc Covid-19 của người bệnh đái tháo đường không cao hơn người bình thường. Ngoài ra Cần thơ không phải là thành phố có nguy cơ cao với dịch bệnh này nên nếu đã hơn 2 tháng bác không đi khám bệnh thì bác nên đi khám lại, tốt nhất là có người nhà đưa đi. Để đỡ mất thời gian chờ, bác nên gọi điện trước cho phòng khám hoặc bác sỹ để hẹn giờ chính xác. Khi khám, bác có thể xin lĩnh thuốc cho 2 tháng theo hướng dẫn của Bảo hiểm y tế.

Trường hợp chưa đi khám lại ngay, bác nên điều chỉnh lại bữa ăn tối, có thể giảm bớt cơm hay thức ăn để đường huyết sau ăn thấp hơn. Bác cũng cần nhờ uống đầy đủ các thuốc huyết áp, mỡ máu là những thuốc rất cần để bảo vệ người bệnh suy thận nặng.

8. Một bệnh nhân ở Đà Nẵng: Tôi năm nay 73 tuổi, đã là bệnh nhân tiêm insulin được 10 năm rồi. Trước mùa dịch tôi đi lĩnh thuốc tháng một lần tại bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng. Nhưng từ hồi giữa tháng 2 tôi chưa tới lần nào vì sợ mắc COVID-19. Tôi kiểm tra đường huyết 3 lần một ngày sáng dậy chưa ăn gì, sau ăn trưa và sau ăn tối. Đường huyết ổn định tầm 7. Tôi tự mua insulin theo đơn hiện hành về tiêm tiếp được không? Tôi không muốn tới bệnh viện đâu.

Trả lời:

Đường huyết của bác khá tốt nên nếu chưa có điều kiện đi khám lại thì bác nên duy trì tiếp chế độ điều trị theo đơn cũ, không chỉ là thuốc đái tháo đường mà cả thuốc điều trị rối loạn mỡ máu hay tăng huyết áp (nếu có). Bác cũng nên duy trì kiểm tra đường huyết thường xuyên.

Chế độ ăn uống cho người mắc đái tháo đường típ 1 / típ 2:

9. Facebook Phạm Văn Đức, Thái Nguyên, 28 tuổi, cao 1.60m và nặng 57 kg: Trong thời gian dịch COVID-19, cháu phải nhập viện tại Thái Nguyên và bác sĩ chẩn đoán đái tháo đường típ 1. Cháu không rõ cháu là đái tháo đường típ 1 hay típ 2? Cháu hoang mang lắm. Nếu là bệnh nhân đái tháo đường típ 1 thì cần ăn uống, dùng thuốc thế nào? Lượng đường trước và sau ăn là bao nhiêu? Bác sĩ có thể cung cấp danh sách thực phẩm rau quả nên dùng không ạ? Cháu cám ơn nhiều ạ.

Trả lời:

Em không nói chi tiết nên không thể biết được em là đái tháo đường típ 1 hay típ 2. Tuy nhiên những bệnh nhân mới phát hiện đái tháo đường, có đường huyết cao thì dù là típ 1 hay típ 2 thì cũng đều phải điều trị bằng insulin trong thời gian đầu.

Mục tiêu đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường típ 1 hay típ 2 nói chung đều như nhau, trước ăn là từ 4,4 – 7,2 và sau ăn 1-2 giờ phải dưới 10 mmol/L. Nhưng vì em còn trẻ nên cần kiểm soát đường huyết chặt hơn, ví dụ đường huyết trước ăn từ 5,0 – 6,0 và sau ăn nên dưới 8,0 mmol/L.

Em nên ăn càng nhiều rau xanh càng tốt, các hoa quả phù hợp cho người bệnh đái tháo đường là ổi, bưởi, cam, táo, kiwi, đào, chuối, mơ. Em cũng có thể uống nước táo ép, sữa tươi hay sữa đậu nành không đường.

10. FB Le Ngoc, 35 tuổi: Em bị tiểu đường típ 2 từ lúc phát hiện đến nay được 2 năm rồi. Em ko muốn dùng thuốc tây nên quyết định sẽ ăn kiêng, luyện tập và dùng thuốc đông y dạng viên. Xin bác sĩ tư vấn thực đơn cho ng tiểu đường và loại thuốc đông y nào hiệu quả. Đường huyết em hiện nay rất cao, sáng sớm em đo đc tầm 200 rồi, do chán nản bỏ bê bản thân nên cũng không kiêng gì nhiều nên thành ra đường huyết ko kiểm soát được. Bác sĩ tư vấn giúp em với ạ, em cám ơn !

 Trả lời:

Từ nhiều năm nay các hướng dẫn điều trị đều thống nhất các bệnh nhân đái tháo đường típ 2 cần được điều trị bằng thuốc hạ đường huyết ngay, bên cạnh việc thực hiện chế độ ăn uống và tập thể dục để không chỉ kiểm soát đường huyết mà còn ngăn ngừa các biến chứng, nhất là biến chứng tim mạch. Vì vậy việc bạn đã có chẩn đoán đái tháo đường mà không dùng thuốc là không đúng.

Cho đến nay một số thuốc đông y có tác dụng hỗ trợ kiểm soát đường huyết nhưng không thể thay thế được thuốc điều trị đái tháo đường. Nếu bạn để đường huyết cao là cực kỳ nguy hiểm vì thời gian đầu sau khi phát hiện bệnh đái tháo đường là thời gian vàng vì điều trị đơn giản nhưng rất hiệu quả. Bạn nên đi khám và dùng thuốc theo đơn của bác sỹ ngay nhé.

11. Nick Facebook Phạm Tuyết: Xin tư vấn chế độ ăn uống cho người bị tiểu đường típ 2

Trả lời: Chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị đái tháo đường với mục đích cung cấp đủ dinh dưỡng, cân bằng cả về số lượng và chất lượng để có thể điều chỉnh tốt đường máu, duy trì cân nặng lý tưởng, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khoẻ để hoạt động và công tác.

Nguyên tắc cơ bản về chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường là hạn chế gluxit (chất bột đường) để tránh làm tăng đường máu sau ăn, và hạn chế vừa phải chất béo nhất là các axit béo bão hoà để tránh rối loạn chuyển hoá. Một điều quan trọng khác là phải hợp lý về giờ giấc và số lượng thức ăn trong các bữa chính và phụ.

Tỷ lệ các thành phần sinh năng lượng:

  • Protein (chất đạm): Đối với người đái tháo đường, lượng protein trong khẩu phần ăn tăng lên do lượng chất bột phải giảm đi, tuy nhiên nếu quá nhiều đạm sẽ không tốt nhất là cho bệnh nhân đã có biến chứng thận. Tỷ lệ năng lượng do protein cung cấp ở người đái tháo đường nên chiếm khoảng 15-20% tổng số năng lượng khẩu phần ăn (ở người bình thường, tỷ lệ này là 12 – 14%).
  • Lipit(chất béo): Tổng lượng chất béo nên ăn như người bình thường, chiếm 25-30% tổng năng lượng, nhưng tỉ lệ axit béo bão hòa/chưa bão hòa sẽ thay đổi từ 1/1 ở người bình thường sang 3/7 ở người bệnh đái tháo đường. Giảm chất béo động vật vì nó có nhiều axit béo bão hoà dễ gây xơ vữa động mạch, và tăng các axit béo chưa bão hoà có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương…
  • Gluxit(chất bột đường): Trong bệnh đái tháo đường, đường máu có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được thành năng lượng cho cơ thể hoạt động nên phải hạn chế ăn gluxit. Do đó nên sử dụng các loại gluxit phức hợp dưới dạng các hạt, khoai củ, và hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt…). Tỷ lệ năng lượng do gluxit cung cấp nên chiếm 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần (ở người bình thường tỉ lệ này là khoảng 60-65%).

Người mắc đái tháo đường có nhiều bệnh mắc kèm:

12. Facebook Đoàn Thị Ly: Bố em năm nay 78 tuổi, vừa mổ bướu ác đại tràng giữa năm 2018. Vào tháng 9 năm 2019, bố em đi khám, lấy thuốc điều trị đại tràng thì bác sĩ chẩn đoán thêm đái tháo đường. Các lần khám vào các tháng tiếp theo cũng đều cho chẩn đoán đái tháo đường. Bệnh lại chồng bệnh, em rất hoang mang. Bác sĩ tư vấn giúp bố em như vậy thì cần làm thế nào?

Trả lời:

Với một người 78 tuổi thì việc có 2 hay 3 bệnh không phải là hiếm. Nguy cơ bị bệnh ung thư đại tràng và đái tháo đường đều tăng theo tuổi, ví dụ khoảng 15% những người trên 70 tuổi bị đái tháo đường so với chỉ 6% ở những người dưới 70 tuổi. Tuy nhiên, thông tin tốt với bệnh của bố em là đái tháo đường là bệnh có thể kiểm soát được bằng thuốc và ung thư đại tràng (nếu chưa có di căn) là bệnh có độ ác tính không cao, tiến triển chậm. Vì thế em và gia đình hãy động viên ông ăn uống, tập thể dục và điều trị tốt cả 2 bệnh này.

13. FB Ngong Le: Bố của em mới phát hiện ra bị tiểu đường mấy tháng nay. Em không biết là người tiểu đường cần ăn uống và kiêng như thế nào. Hiện giờ bố em vẫn nằm viện bác sĩ nói bố em bị suy thượng thận, nấm thực quản, viêm dạ dày và vài rối loạn khác .Em giờ không biết phải làm sao để bố khỏe lại. Nhìn thấy bố đau mà em thương bố giá như bố có phép màu để bố khỏi bệnh, giá như bố có một cậu con trai để dựa vào lúc ốm đau…

Trả lời:

Đầu tiên cần cho bạn biết là nhà có nhiều con gái thường hạnh phúc và con gái chăm bố thường là tuyệt nhất.

Bố em bị đái tháo đường, suy thượng thận, chắc là do lạm dụng thuốc Corticoid thường được dùng để chữa các bệnh xương khớp. Có lẽ cả nấm thực quản và viêm dạ dày đều là hậu quả của việc dùng thuốc corticoid này. Chắc chắn bố em đang có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng, và điều này không tốt chút nào khi chúng ta đang sống trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên những bệnh nhân suy thượng thận thường sẽ hồi phục khá nhanh sau khi được bù corticoid, đái tháo đường thì có thể kiểm soát được bằng thuốc, còn nấm thực quản và viêm dạ dày đều không phải là bệnh nặng hay ác tính. Nếu được chữa tốt bằng thuốc, và đặc biệt là chế độ dinh dưỡng tốt thì ông sẽ hồi phục nhanh thôi. Mà việc này là phụ thuộc con gái đấy, chứ con trai không làm tốt việc nấu nướng cho người già đâu.

14.  Fb Tran Thu: Mẹ em năm nay 61 tuổi. Thời gian gần đây uống thuốc và kết hợp kiêng khem thì đường huyết lúc đói tháng trước và tháng này lần lượt là 5,2 và 4,7. Mẹ em hiện tại còn mắc suy thận chưa chạy thận, dùng nhiều thuốc sẽ rất ảnh hưởng đến thận. Em muốn hỏi bác sĩ liệu mình dùng thuốc thêm 1, 2 tháng nữa đường huyết vẫn ổn định mình chỉ ăn kiêng đơn giản không dùng thuốc được không ạ? Thời gian vừa rồi mẹ em điều trị suy thận cấp, còn mổ sỏi phải tiêm truyền và uống kháng sinh nhiều nên sợ ảnh hưởng quá.

Trả lời:

đái tháo đường là bệnh không chữa khỏi được và thường đòi hỏi phải dùng thuốc suốt đời. Tuy nhiên khi bị suy thận thì đường huyết thường tự giảm do nhiều nguyên nhân như thuốc đái tháo đường bị kéo dài tác dụng, bệnh nhân ăn kém hay thận giảm sản xuất glucose. Do đó, người bệnh bị suy thận có nguy cơ cao bị hạ đường huyết. Nếu đường huyết của mẹ em chỉ từ 4,7 – 5,2 mmol/L là không tốt cho người bệnh suy thận mạn

15. FB Su Nem: Bố em bị đái tháo đường típ 2, 75 tuổi, cách đây 2 tháng bố em khám ở nội tiết TW, bác sĩ chẩn đoán bị biến chứng dây thần kinh, giờ bố e đi lại khó khăn lắm. Sau đó em cho đi khám ở viện y học cổ truyền xét nghiệm và kết luận bố em bị viêm đa khớp,khớp có dịch phải hút nhưng hút rồi cũng chỉ đỡ tức thì xong lại đau. Chỉ số đường huyết của bố em loạn lắm giờ đo lúc đói chỉ có 7, no thì 18 , ko biết bệnh của bố e là do gì nữa. Giờ đang dịch COVID, em không biết nên làm thế nào? Bác sĩ có thể tư vấn giúp bố em được không ạ.

Trả lời:

Với người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết kém nhiều năm thì thường xuất hiện biến chứng thần kinh ngoại biên, tuy nhiên vì ông đã 75 tuổi nên có khả năng bị cả thoái hóa khớp. Điều trị thoái hóa khớp có nhiều biện pháp như dùng thuốc chống viêm giảm đau, tiêm tại khớp, tập phục hồi chức năng…có thể hiệu quả tốt

Đường máu cao và dao động như bố em là không tốt, vì nếu bị nhiễm Covid-19 thì nguy cơ bị bệnh nặng hơn. Vì vậy em cần cho bố đi khám lại hoặc xin tư vấn bác sỹ nội tiết để điều chỉnh cho đường máu tốt hơn. Muốn vậy em cần đo đường huyết cho ông 3-4 lần/ngày để bác sỹ có cơ sở chỉnh liều thuốc hoặc thêm thuốc cho phù hợp.

16. FB Hoàng: Chào bác sĩ, bố tôi năm nay 81 tuổi bị tiểu đường 10 năm, hàng tháng vẫn điều trị tiêm đều và mức glu huyết 8-9-10. Cách đây 4 hôm bố tôi xét nghiệm glucose 33,5 mmol, Hba1c: 13,5 % crp hs : 25,5 , ure : 15 mmol, ceatinin: 160. Đã điều trị nhưng không đỡ, sáng khoảng glu:15 mmol, trưa 17,5 mmol, chiều tối 21-22 mmol. Xin bác sỹ tư vấn giúp.

Trả lời:

Với xét nghiệm HbA1C = 13,5% thì bệnh nhân được kiểm soát đường huyết quá tồi trong thời gian rất dài chứ không phải chỉ mới vài ngày nay. Ngoài ra bệnh nhân cũng đã có suy thận độ 2 rồi, mà khi có suy thận thì việc điều chỉnh phác đồ điều trị đái tháo đường, kiểm soát huyết áp cũng như chế độ ăn sẽ cần phải thay đổi nhiều. Một số thuốc đái tháo đường sẽ bị chống chỉ định khi có suy thận. Vì thế bạn cần đưa bố đi khám lại bác sỹ chuyên khoa nội tiết sớm.

17. FB HN Master: Em thưa thầy! Em có người nhà bị bệnh nhân vừa tăng cholesterol vừa tăng triglycerid có nên phối hợp hai nhóm thuốc statin và fibrat hay không ạ? Bệnh nhân có men gan cao nên điều chỉnh thuốc như thế nào ạ! Em cảm ơn thầy ạ!

Trả lời: Thông thường các bệnh nhân đái tháo đường típ 2 > 40 tuổi được khuyến cáo điều trị Statin (là thuốc làm giảm LDL-C nhiều), ngay cả khi Lipid máu bình thường, vì nó có tác dụng làm giảm biến chứng tim mạch. Tuy nhiên khi Triglyceride cao nhiều > 5,6 mmol/L thì thuốc Fibrate lại được ưu tiên sử dụng và khi Triglyceride giảm xuống dưới 5,6 mmol/L thì lại quay về điều trị bằng statin. Những bệnh nhân có rối loạn lipid máu hỗn hợp thì có thể dùng phối hợp cả 2 nhóm thuốc statin và fibrate được, nhưng phải cẩn trọng với các tác dụng phụ như tăng men gan và tăng men cơ, và thuốc fibrate được khuyến cáo nên dùng là fenofibrtae.

Tăng men gan ở bệnh nhân đái tháo đường có thể do nhiều nguyên nhân, phổ biến là do gan nhiễm mỡ hoặc viêm gan virus. Em cần tìm nguyên nhân để điều trị. Nếu men gan tăng nhưng < 80 U/L thì bạn vẫn có thể dùng thuốc điều trị rối loạn mỡ máu được nhưng phải kiểm tra lại sau 1 tháng.

 Câu hỏi về vấn để tâm thần kinh/stress, duy trì luyện tập do dịch COVID

18. Bạn Hoa, Quảng Ninh: Mẹ em 60 tuổi, bị mắc đái tháo đường và huyết áp khoảng 5 năm nay, người béo. Mẹ em gần 2 tháng này chỉ ở nhà vì sợ đi ra ngoài do mắc COVID, loa khu tuyên truyền suốt. Bà cũng không duy trì tập thể dục như trướcnữa. Dạo này ở nhà lâu, bà lúc cáu gắt, lúc thui thủi một mình. Xin bác sĩ tư vấn làm thế nào giúp và động viên mẹ em được?

Trả lời: Người bệnh đái tháo đường, nhất là người già, rất hay có trầm cảm và lo âu vì nghĩ mình bệnh nặng, không chữa khỏi được. Gia đình được cho là có vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ người bệnh. Cụ thể em hoặc mọi người trong gia đình cần quan tâm hỏi xem đường máu và huyết áp của bà thế nào, bà có ngủ được không, thuốc của bà còn đủ không hay bất cứ điều gì bà muốn chia sẻ.

Vì bà béo nên nếu ở nhà mà không tập thể dục thì rất dễ bị tăng cân, tăng đường máu. Em có thể hướng dẫn bà các bài tập thể dục trong nhà như chạy thảm, đạp xe trong nhà, hay các bài tập trên giường, trên ghế…rất hữu ích cho người bệnh đái tháo đường. Hãy động viên bà tập chỉ 10 phút và 2 – 3 lần mỗi ngày là được. Khuyến khích bà làm việc nhà cùng con cháu.

Một số câu hỏi khác

19.  Facebook Thanh Vân Nguyễn, 60 tuổi: Tôi bị bệnh 4 năm nay. Tôi có thể ngưng uống thuốc khi đường huyết của tôi ổn định? Tôi dùng thuốc đều mà sao đường huyết xuống chậm. xin bác sỹ tư vấn

Trả lời: Cho đến nay có thể khẳng định đái tháo đường là bệnh không thể chữa khỏi được, nên nếu chị đã bị ĐTD 4 năm rồi thì chắc chắn chị sẽ cần phải uống thuốc lâu dài mới có thể kiểm soát được bệnh. Thông thường điều trị đái tháo đường thực chất là quá trình dò liều cho đến khi tìm được liều thuốc phù hợp, giữ đường huyết đạt mục tiêu. Nếu cho liều cao nhằm làm giảm đường huyết nhanh thì có nguy cơ rất cao gây hạ đường huyết (< 3,9 mmol/L), mà hạ đường huyết thì lại nguy hiểm hơn tăng đường huyết vì gây tử vong nhiều hơn.

Sau một thời gian điều trị, nhiều bệnh nhân sẽ đạt được mức đường huyết bình thường nhưng đó là nhờ có thuốc. Nên nếu chị ngừng thuốc thì chắc chắn đường huyết sẽ tăng cao trở lại. Chỉ thực hiện Chế độ ăn và tập luyện thể lực thì dù có tích cực đến đâu cũng không đủ để đưa được đường huyết về bình thường.

20. Facebook Đỗ Thị Nhạn: Xin hỏi đường huyết lúc đói 7.1 có cần phải uống thuốc không?

Trả lời: Đường huyết lúc đói 7,1 mmol/L có nghĩa là bạn đã bị đái tháo đường, và nếu đã được chẩn đoán đái tháo đường típ 2 thì các hướng dẫn điều trị đều thống nhất là phải dùng thuốc đái tháo đường ngay, cùng với thay đổi lối sống. Thuốc được khuyến cáo sử dụng đầu tiên là Metformin do nó được chứng minh không chỉ làm giảm đường huyết mà còn làm giảm nguy cơ bị tử vong do biến chứng tim mạch, là nguyên nhân chính gây tử vong ở các bệnh nhân đái tháo đường.

Ngày nay những bệnh nhân tiền đái tháo đường với mức đường huyết lúc đói > 6,1 mmol/L đã được khuyến cáo điều trị Metformin để: (1) làm giảm tiến triển thành đái tháo đường thực sự và (2) làm giảm biến chứng tim mạch ở người tiền đái tháo đường.

21. FB Đỗ Thanh: Chào bác sĩ ạ! Bác sĩ cho tôi hỏi việc sử dụng thêm các thực phẩm chức năng có tác dụng bổ gan, thận có cần thiết và có tốt cho bệnh nhân đái tháo đường ko ạ?

Trả lời: Về mặt lý thuyết thì có thể các thực phẩm chức năng có một số tác dụng ở người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên cho đến nay không có bằng chứng rõ ràng và vững chắc về điều này do thiếu các nghiên cứu được thiết kế đủ mạnh và đạt yêu cầu để khẳng định nó có tác dụng hay không.

Nếu Quý bạn đọc có thêm câu hỏi liên quan tới bệnh đái tháo đường, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

+ Email: dtdbyt@gmail.com

+ Website: daithaoduong.kcb.vn

+ Facebook fanpage: https://www.facebook.com/daithaoduong.kcb

 

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN – Kiểm soát bệnh Đái Tháo Đường trong đại dịch Covid-19

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN – Kiểm soát bệnh Đái Tháo Đường trong đại dịch Covid-19

TƯ VẤN TRỰC TUYẾN – Kiểm soát bệnh Đái Tháo Đường trong đại dịch Covid-19